Dân Việt

Dồn điền đổi thửa: Phải có Hội ND giám sát

Phương Đông 16/04/2014 07:20 GMT+7
Việc xảy ra các vụ khiếu kiện, thậm chí xô xát do tiến hành dồn điền đổi thửa (DĐĐT) vừa qua có phần do hoạt động này thiếu dân chủ, minh bạch. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế tình trạng này phải có sự tham gia, giám sát của Hội Nông dân (ND).
Mất ít nhất 20 cuộc họp mới thống nhất

Tân Hòa là một trong những xã kết thúc sớm việc dồn điền đổi thửa của huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đầu năm 2010, tỉnh phát động DĐĐT, thì đến cuối năm 2011 Tân Hòa đã hoàn thành toàn bộ diện tích. Tại Tân Hòa, chủ tịch Hội ND xã là một thành viên trong Ban chỉ đạo DĐĐT cấp xã và chịu trách nhiệm đôn đốc tại chi bộ, thôn nơi cư trú.

Chi hội trưởng chi hội ND các thôn là thành viên tiểu ban chỉ đạo cấp thôn. Bà Vũ Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội ND xã Tân Hòa cho biết, xã làm quy hoạch xong phải lấy ý kiến nhân dân xem quy hoạch thế đã được chưa, nếu có chỗ nào chưa rõ hoặc dân có ý kiến khác thì phải giải trình, tiếp thu.

Phương án DĐĐT cũng phải lấy ý kiến người dân. “Bình quân mỗi thôn phải tiến hành hơn 20 cuộc họp dân thì mới đi đến thống nhất với phương án DĐĐT. Khi tiến hành đo đạc, phân vùng, bốc thăm thì chi hội ND ở thôn cũng là một trong những lực lượng trực tiếp tham gia. Chi hội trưởng chi hội ND cũng là thành viên trong Ban thanh tra tất cả các việc ở thôn, trong đó có DĐĐT” - bà Tâm nêu kinh nghiệm của địa phương.

Người dân xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng, Nam Định) bàn các phương án DĐĐT trước khi triển khai.
Người dân xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng, Nam Định) bàn các phương án DĐĐT trước khi triển khai.

Tại tỉnh Hà Nam, đại diện hội ND cũng là một trong những thành viên trong ban chỉ đạo DĐĐT ở từng cấp. Tỉnh làm điểm tại 2 xã, rồi tổng kết, rút ra quy trình chuẩn do Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng để áp dụng rộng rãi. Đề án DĐĐT của thôn nào thì do người dân thôn đó bàn bạc, thảo luận và thống nhất.

“Hội ND không thể đứng ra chủ trì việc DĐĐT được, không thể đi đo ruộng, giao ruộng rồi bàn giao hồ sơ địa chính. Nếu có làm được thì cũng chẳng ai công nhận. Công việc đó thuộc về quản lý nhà nước. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc mà làm còn “mướt mồ hôi” nữa là để hội đứng ra chủ trì…” - bà Nguyễn Thị Hồng Lạng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Nam chia sẻ.

Trách nhiệm ở cấp ủy, chính quyền sở tại


Giống như Tân Hòa, cách DĐĐT ở tất cả các xã của huyện Vũ Thư cũng thực hiện các bước tương tự. Hội ND ở cấp nào thì tham gia ban chỉ đạo DĐĐT ở cấp đó. Ngoài tuyên truyền, vận động hội viên, ND, Hội ND huyện Vũ Thư còn được cấp ủy giao trực tiếp theo dõi, đôn đốc tại 2 xã Tân Phong và Phúc Thành. Bà Bùi Thị Minh Ngọc - Chủ tịch Hội ND huyện Vũ Thư (Thái Bình) cho biết, qua tuyên truyền, vận động, người dân rất đồng tình DĐĐT, song có một vấn đề quan trọng là chính quyền phải để bà con thảo luận thống nhất với các phương án, cách làm. “Để bao nhiêu diện tích cho mở bờ vùng, bờ thửa, mương máng, góp bao nhiêu tiền để đào đắp đều do dân trong thôn thảo luận, thống nhất” - bà Ngọc cho biết.

Theo bà Ngọc, đối với hội ND, nhất là ở chi hội, ngoài việc trực tiếp tham gia ở nhiều khâu, nội dung, công việc DĐĐT, điều quan trọng hơn là phải tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích. Bởi thực tế, khi DĐĐT không thể tránh được tâm lý ai cũng muốn chỗ ngon, chỗ tốt, nhưng quan trọng là kết nối được để bà con bàn bạc, đồng thuận với một phương án hợp lý, hợp tình nhất…

Cũng theo ý kiến của bà Ngọc, trong DĐĐT, vai trò giám sát, kiến nghị của hội ND các cấp cần tăng cường hơn, sâu và rõ hơn và cốt lõi của vấn đề giám sát, kiến nghị là để giải quyết những khó khăn trong DĐĐT. Ông Trịnh Thế Khiết - Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội cho rằng, tại những điểm để xảy ra khiếu kiện phức tạp về DĐĐT chủ yếu là việc thống nhất phương án và tiến hành chưa thực hiện dân chủ, công tác quản lý đất đai “có vấn đề”. “DĐĐT là hoạt động dân sự tự nguyện, nhưng cách làm không minh bạch, công tác dân vận chưa khéo nên dẫn đến tình huống “hình sự hóa một hoạt động dân sự”. Trách nhiệm trước hết là ở cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị tại cơ sở...” - ông Khiết cho hay.

Lấy kinh nghiệm từ cơ sở, bà Vũ Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội ND xã Tân Hòa (Vũ Thư, Thái Bình) khẳng định: “Chính quyền minh bạch thông tin, dân chủ trong thực hiện để người dân giám sát việc DĐĐT là tốt nhất. Thực tế, dân mà phát hiện có khuất tất thì họ không để cho mình yên đâu nên tốt nhất là thực hiện cho đúng…”.

Để dân họp, bàn bạc


“Hầu hết các địa phương ở Thái Bình đã triển khai xong DĐĐT, trung bình đạt 1,8 thửa/hộ (giảm 3 thửa), quá trình triển khai khá thuận lợi, bởi nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Mặc dù chỉ là thành viên trong Ban DĐĐT, nhưng hội có một vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền vận động người dân, các hội viên hưởng ứng. Ngoài ra, chúng tôi còn chỉ đạo các cấp chi hội họp, bình bầu thành lập ban giám sát là những người liêm khiết, hiểu về đồng ruộng để tham gia quy hoạch, giám sát quá trình thực hiện”.
Bà Bùi Thị Nga - Phó Chủ tịch Hội ND Thái Bình

Hội ND giữ vai trò chủ chốt


“Nhiều nơi, vai trò của Hội ND còn rất mờ nhạt, thậm chí có nơi những ý kiến của người dân đóng góp tại các cuộc họp đều bị “bỏ ngoài tai”, không được ghi vào văn bản, do đó nói là phương án, kế hoạch cuộc họp thống nhất, nhưng thực chất chỉ có một bộ phận thống nhất, nên khi triển khai thường “vênh” và là nguyên nhân xảy ra các khiếu kiện. Để làm tốt vai trò giám sát, thực hiện tốt quy chế dân chủ, thì Hội ND, thành viên của hội phải là những thành viên chủ chốt trong các ban và tiểu ban DĐĐT tại các thôn, xóm”.
Ông Phạm Quốc Huy - Chủ tịch Hội ND huyện Trực Ninh, Nam Định
Việt Tùng (ghi)