Dân Việt

Giết người khi đang tại ngoại

Ngọc Lương 27/03/2014 07:01 GMT+7
Một vụ án hình sự tưởng chừng như đơn giản nhưng lại kéo dài hơn 6 năm, qua hơn chục lần xét xử nhưng chưa đi đến hồi kết. Trong khi đó, 1 trong 3 bị cáo của vụ án khi được hưởng tại ngoại chờ xét xử đã phạm tội giết người.
Nhiều vi phạm tố tụng

Theo tài liệu, vào khoảng 22 giờ ngày 11.1.2008, ông Nguyễn Đình Bài (SN 1961) ở Hoàn Kiếm, Hà Nội đến nhà Lê Văn Thắng (SN 1963) ở Gia Lâm, Hà Nội đòi nợ vay từ trước. Hai bên lời qua tiếng lại dẫn đến xô xát. Thắng đã gọi điện cho Nguyễn Kiều Hưng - Giám đốc Công ty cổ phần Lưới thép Hà Nội (nơi Thắng làm việc) và Hưng đã gọi nhân viên Trịnh Việt Cường và Lê Quang Thịnh ra. Sau đó Thắng, Cường và Thịnh đã dùng gạch, dao, dùi cui đánh chém ông Bài tới tấp. Viện Pháp y Quốc gia giám định, tỷ lệ thương tích của nạn nhân là 29% (bản số 102Y/GĐPY). Cho rằng giám định này không khách quan, ông Bài yêu cầu được giám định tại Viện Pháp y Quân đội. Tại bản giám định số 09Y2009 của Viện Pháp y Quân đội, tỷ lệ thương tật của ông Bài lại là 37%.

Bị cáo Cường (giữa) là kẻ giết người trong khi hưởng tại ngoại.
Bị cáo Cường (giữa) là kẻ giết người trong khi hưởng tại ngoại.

Tháng 4.2009, TAND huyện Gia Lâm căn cứ vào bản giám định số 09Y2009 để xét xử sơ thẩm và ra bản án với 3 bị cáo Thắng, Cường và Thịnh. Tuy nhiên bản án bị Viện KSND huyện Gia Lâm kháng nghị, bị cáo và bị hại cùng kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm tháng 7.2009, TAND TP.Hà Nội đã tuyên hủy toàn bộ bản án vì trong hồ sơ vụ án có 2 bản kết luận giám định của 2 cơ quan với 2 kết quả khác nhau.

Tòa yêu cầu điều tra lại từ đầu, ông Bài được đề nghị tới Viện Pháp y Quốc gia để giám định lại, nhưng bị hại không đồng ý. Thấy vậy, cả 2 cơ quan tố tụng trên sử dụng lại bản kết luận giám định số 102Y/GĐPY với thương tật 29% làm căn cứ truy tố các bị cáo về tội “cố ý gây thương tích”. Tòa án huyện Gia Lâm chấp nhận và mở lại phiên xử sơ thẩm, bản án được tuyên nhưng một lần nữa bị kháng nghị và kháng cáo. Sau đó TAND TP.Hà Nội xử phúc thẩm và tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Gây trọng án khi tại ngoại


Vụ án được điều tra lại, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Gia Lâm đã ra quyết định trưng cầu giám định lại tại Viện Pháp y Quốc gia. Tháng 5.2011, Viện Pháp y Quốc gia đã có bản kết luận số 20/11/TgT kết luận tổn hại sức khỏe của ông Bài là 28%. Không đồng tình, bị hại Nguyễn Đình Bài đề nghị giám định lại. Sau nhiều lần hoãn, đến ngày 25.3, vụ án trên được TAND huyện Gia Lâm đưa ra xét xử sơ thẩm. Tại tòa, nạn nhân tiếp tục không đồng ý với kết luận giám định và đề nghị HĐXX đưa chiếc mũ bảo hiểm và hung khí gây án ra để xem xét. Tuy nhiên chiếc mũ bảo hiểm mà HĐXX đưa ra ông Bài cho rằng không phải của mình. Tòa cũng không đưa ra hung khí gây án.

Tại phiên tòa ngày 25.3, bị cáo Lê Văn Thắng và Trịnh Việt Cường bị đề nghị 42 - 48 tháng tù, Lê Quang Thịnh bị đề nghị 36 - 42 tháng tù, cùng về tội “cố ý gây thương tích”. Ngày 28.3, tòa sẽ tuyên án.

Theo LS Nguyễn Thanh Sơn (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Bài), cơ quan tố tụng đã mắc nhiều sai phạm, đặc biệt là việc định tội cũng như bỏ lọt tội phạm. LS Sơn phân tích, bị hại bị chém tới tấp, có nhiều nhát rất nặng vào vùng đầu, gáy, là dấu hiệu giết người. Việc nạn nhân không chết nằm ngoài ý muốn chủ quan của hung thủ. Kết thúc ngày xét xử, bản án vẫn chưa được tuyên.

Điều đáng nói là việc vụ án để kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động chung của các cơ quan tố tụng mà còn gây hệ lụy xã hội. 3 bị cáo ban đầu bị bắt giam sau đó lần lượt được tại ngoại chờ xét xử. Trong số này có Trịnh Việt Cường (SN 1975) ở Từ Liêm, Hà Nội - một đối tượng có 2 tiền án lại tiếp tục gây tội ác: Tháng 4.2013, xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ, Cường đã đâm thấu phổi anh Trần Mạnh Quân (SN 1971, người cùng xã) khiến anh Quân tử vong.