Cây điều được phân bố rộng khắp các huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với diện tích trên 50.000ha, tập trung nhiều nhất tại các huyện Xuân Lộc, Định Quán, Trảng Bom và Thống Nhất. Theo Quyết định 2419/2011 của UBND tỉnh (ban hành chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm giai đoạn 2011-2015), Đồng Nai vẫn xác định cây điều là cây công nghiệp chủ lực của tỉnh.
Xây dựng vùng chuyên canh điều sẽ góp phần tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho hoạt động chế biến. |
Ngoài diện tích điều hiện có, theo định hướng, đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ đầu tư thâm canh ở những vùng có lợi thế với diện tích 35.000ha. Trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành những vùng chuyên canh điều mang tính hàng hóa có năng suất cao, chất lượng tốt. Tỉnh Đồng Nai cũng đưa ra định hướng phấn đấu đưa năng suất cây điều đạt bình quân 1,05 tấn/ha (thâm canh 3 tấn/ha).
Một giải pháp?nhằm nâng cao năng suất, chất lượng điều là kịp thời thay giống mới và đầu tư thâm canh; trồng xen cây ca cao trong vườn điều để tăng năng suất và giá trị sản phẩm, lợi nhuận bình quân đạt 15 triệu đồng/ha/năm. Sau khi thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, đến nay nhiều diện tích trồng thâm canh điều đã đạt năng suất trên 2,5 tấn/ha, có nơi đạt năng suất từ 3,5 – 4 tấn/ha, thu lợi nhuận từ 30 – 40 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, trên thực tế năng suất điều có được cải thiện so với trước đây nhưng chưa tương xứng là cây chủ lực của tỉnh.
Đề án xây dựng vùng nguyên liệu điều đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đang được xây dựng tại Đồng Nai nhằm mục đích đầu tư chiều sâu, tạo bước đột phá cho cây điều trên địa bàn quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu điều ổn định trong vùng quy hoạch và từng bước phát triển trên toàn địa bàn tỉnh. Đề án do Công ty Chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm đồng Nai (Donafoods) thực hiện.
Theo ông Nguyễn Trọng Trí - Phó Giám đốc Donafoods đề án, đề án trên đã trình UBND tỉnh và đang chờ phê duyệt. Dự kiến Donafoods sẽ thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu điều tại 9 xã thuộc 3 huyện Xuân Lộc, Định Quán và Trảng Bom. Đối tượng tham gia trong đề án quy hoạch vùng nguyên liệu bao gồm các CLB điều năng suất cao, các HTX, hộ trồng điều có diện tích từ 5ha trở lên.
Để thực hiện đề án, công ty sẽ ký hợp đồng đầu tư trồng mới để thay thế giống cũ và đầu tư thâm canh cây điều bằng giống, vật tư và thu mua lại sản phẩm theo giá thời điểm có bảo hiểm giá sàn cho từng thời điểm và cam kết mua hết sản phẩm trên diện tích công ty đầu tư.
Công ty cũng có chính sách chia sẻ rủi ro, lợi nhuận với người nông dân khi có thiên tai, dịch bệnh hoặc giá cả biến động mạnh. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ làm việc với các ngân hàng về việc bao tiêu sản phẩm cho người dân trồng điều để ngân hàng cho người trồng điều vay đầu tư sản xuất trên cơ sở hợp đồng ký kết với công ty...
Ông Phạm Minh Đạo - Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai cho rằng thực hiện đề án này, việc hình thành các vùng nguyên liệu điều là điều tốt nhằm giúp cây điều phát triển, người trồng điều yên tâm đầu tư phát triển cây điều. Cùng với đó, cần thành lập hiệp hội điều tại Đồng Nai để góp phần phát triển cây điều.
Hữu Ký