“Rồng qua ao tù”
Khốn khổ nhất đời có lẽ là một anh chàng è cổ bê một mâm cỗ thịnh soạn cho người khác xơi nhưng bụng lại đang đói lả đi. Hình ảnh ấy thực đúng với tình cảnh của gần 1.000 người dân các thôn Ngọc Than, Ô, Ngánh, Giữa, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai.
Nước sinh hoạt được dẫn từ ao về nhà dân. |
Có tới vài km đường ống cấp nước sạch cho nội thành Hà Nội to như con rồng chạy sát qua xã này (kéo từ sông Đà về) nhưng nơi đây lại đang thiếu nước trầm trọng. Tại ao Sen giữa thôn Ngọc Than, cả đám trẻ con đang tắm rửa ì oạp. Ông Nguyễn Đoán Đạo quát: "Mấy thằng kia, con nhà nào đấy? Nắng nôi thế này mà ra tắm phải cảm chết bây giờ.
Lên ngay, cấm thằng nào ị bậy ra đấy, tao biết mách bố mẹ chúng mày thì nhừ đòn". Quay sang tôi, ông bảo: "Bọn trẻ con là vô ý lắm, cái ao tù này là nguồn nước ăn, sinh hoạt duy nhất của cả 4 thôn chúng tôi đấy". Nói thì nói thế nhưng chính ông cũng nhảy ùm xuống ao mà kỳ cọ một cách khoái trá, còn ngay cạnh đấy là mấy chị phụ nữ đang rửa bát chén.
Quả thật! Có tới hàng trăm đường ống nước dẫn từ ao này kéo về khắp các nhà trong 4 thôn. Trước đây, người dân các thôn dùng nước giếng khoan nhưng chả hiểu sao khoảng vài năm trước, khi Hà Tây chuẩn bị sáp nhập vào Hà Nội, nguồn nước ngầm bỗng nhiên... biến mất. Vậy là cứ dăm hộ lại phải chung tiền mua một chiếc máy bơm công suất cao để dẫn nước đi xa đến hàng km.
Những ngày này, tiếng hàng trăm chiếc máy bơm nước ì ầm suốt ngày đêm. Do nhiều máy cùng hoạt động nên điện yếu, nước lại phải dẫn xa, nên để có được một khối nước nhiều khi phải bơm tới vài tiếng. Là địa phương ngoại thành Hà Nội nhưng khi xem hóa đơn tiền điện của những gia đình ở đây, nhiều người ở nội thành cũng phải lè lưỡi khâm phục vì dân Ngọc Mỹ "ăn chơi phung phí" quá. Tại 4 thôn "khát nước" này, trung bình mỗi hộ dân thường dùng đến 400.000 - 500.000 đồng tiền điện/tháng... Trong đó phần lớp dùng để chạy máy bơm để có nước sinh hoạt.
Nhưng cái ao tù này đã ô nhiễm lắm rồi. Trẻ con dẫu vô ý nhưng quát còn biết nghe, cứng đầu hơn nữa thì roi vụt vào đít tất phải biết vâng lời mà không dám ị bậy xuống ao, nhưng mấy anh... lợn thì giời cũng chẳng bảo được. C
ái ao tù mang tên ao Sen này rộng hơn 6.000m2 nhưng có tới dăm chiếc chuồng lợn "ngự" xung quanh. Và từ những cái chuồng ấy vẫn liên tục chảy xuống ao dòng dung dịch đen đen, long lỏng. Không chỉ thế, ao còn được dùng làm thêm vô số việc như rửa rau, giặt giũ và tắm vì việc chạy từ nhà ra ao rồi nhảy ùm xuống đơn giản lại đỡ tốn kém hơn nhiều so với chuyện chạy máy bơm đưa nước về nhà rồi mới tắm.
Việc giữ gìn vệ sinh nguồn nước quý báu này không thể diễn ra vì theo ông Nguyễn Bá Hưng (Trưởng thôn Ngọc Than): Ao này đã được xã giao cho một gia đình nuôi thả cá, và ao thả cá thì (tất nhiên) càng thả nhiều thứ xuống đó, chủ ao càng hoan nghênh. Ông Nguyễn Quý Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ cho biết địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị lên trên và "trên" cũng đã có nhiều đoàn xuống khảo sát nhưng "chưa thấy có gì chuyển biến".
Ông Nguyễn Đoán Đạo vệ sinh cá nhân ngay tại nguồn nước chung. |
Nội thành nên "chia sẻ" với ngoại thành
Thực ra việc "dân dốt, không biết mua nước tinh khiết đóng chai về dùng" diễn ra ở hầu khắp các nơi còn chưa hết mừng vì được nhập vào Hà Nội. Và càng oái oăm hơn khi nó lại tập trung vào các địa phương có đường cấp nước cho nội thành chạy qua (kéo từ sông Đà về). Xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ có 4.000 dân thiếu nước thường xuyên, riêng tại thôn Yên Trường có 90% hộ dân thiếu nước.
Xã Chàng Sơn (Chương Mỹ) có hơn 2.000 dân thì 2/3 số đó hàng ngày phải mua nước với giá 100.000 đồng/m3, một gánh nặng kinh tế khôn cùng trong thời buổi kinh tế suy thoái hiện nay. Xã Thái Hòa và xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, dù ngay sát sông Đà mà các hộ dân cũng phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để xây bể trữ nước, rồi thuê máy bơm công suất cực lớn đưa nước về dùng dần...
Hy sinh hàng ngàn ha đất canh tác để nhường đất cho dự án cấp nước từ sông Đà về nội thành Hà Nội, nhưng những người dân 4 huyện dọc Đại lộ Thăng Long (Láng - Hòa Lạc) lại đang chịu một nghịch cảnh: È cổ bê cỗ cho người khác xơi trong khi mình đói đến sắp lả đi. Cái nghịch cảnh ấy càng xót xa giữa những ngày nắng nóng này. Thiết kế những đường xương cá dẫn nước cho các địa phương từ đường ống cấp nước sông Đà - Hà Nội là việc làm cần thiết để nội thành Hà Nội chia sẻ với ngoại thành.
Hiện tại, các dự án nhỏ cấp nước sạch nông thôn Hà Nội được lập ra khá nhiều nhưng không thể triển khai được vì triển khai "theo kiểu Hà Nội". Tại Hà Nội (nội thành) sau khi hoàn thành dự án cấp nước nhỏ sẽ cho đấu thầu để tư nhân khai thác cung cấp nước cho dân và đây là một nguồn lợi béo bở cho những nhà đầu tư (không mất vốn, chỉ mất phí bảo quản và đếm số nước tiêu thụ rồi... thu tiền).
Nay cách làm ấy lại không thể thu hút nổi chủ đầu tư tại khu vực nông thôn: Địa bàn rộng, dân cư thưa, lượng nước sử dụng trên mỗi gia đình ít, chi phí bảo quản cho hệ thống cấp nước và lượng nước hao hụt rất lớn (vì phải dẫn nước xa)... nên có nhiều công trình nước sạch nhỏ bị bỏ không. Chính vì thế nên chỉ có thể áp dụng những công trình cấp nước sạch quy mô, đồng bộ cho khu vực ngoại thành Hà Nội.
Đầu mùa hè năm nay, Công ty Nước sạch Hà Nội cung cấp 2 tin vui: Thứ nhất là nội thành Hà Nội sẽ được đảm bảo 100% nhu cầu nước. Thứ hai là công ty đang trong quá trình xây dựng dự án để vay vốn làm đường ống, mạng lưới cấp nước, sử dụng nguồn nước mặt sông Đà cung cấp nước sạch cho 4 huyện dọc Đại lộ Thăng Long (nơi có đường ống nước cung cấp cho nội thành chạy qua). Số tiền cần vay để thực hiện dự án này là 5.000 tỷ đồng, nếu vay được tiền và xây dựng hoàn thành thì dự án này sẽ cung cấp nước cho khoảng 100.000 hộ dân...
Trong lúc chờ vay được tiền để làm công trình hoành tráng (có lẽ rất lâu nữa mới hoàn thành) ấy, giải pháp khẩn cấp ngay trước mắt là Hà Nội (nội thành) cần sẵn sàng và chủ động "chia sẻ" với khu vực ngoại thành Hà Nội (đặc biệt là các địa phương có đường dẫn nước sông Đà - Hà Nội đi qua).
Nam Hải