Tăng trưởng kinh tế gắn với văn hóa - xã hộiLà thành phố ở vùng miền núi, mới thành lập nên Sơn La vẫn còn không ít khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội. Ông Nguyễn Đức Thành - Phó Chủ tịch UBND thành phố tâm sự: “Phải nói thật là trong những khó khăn ấy có những khó khăn do chính mình chưa nỗ lực và chúng tôi đã nhận ra điều ấy, tìm cách khắc phục triệt để, tạo lòng tin và động lực cho nhân dân”.
Chợ hoa xuân TP. Sơn La dịp Tết Giáp Ngọ.
Về mặt kinh tế thương mại-dịch vụ, thành phố đã có bước tiến triển rất lớn trong quy hoạch lại hệ thống chợ, giúp người dân thuận lợi thông thương và không cản trở giao thông, mất mỹ quan độ thị. Hàng loạt chợ đã được đầu tư xây dựng, di dời, được người dân đồng thuận: Chợ Gốc Phượng, chợ Cầu 308, chợ Cấp II, chợ Noong Đúc… Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố trong năm qua đạt tới 1.920 tỷ đồng, tăng trên 17,6% so với năm trước.
Để giúp người nông dân bứt phá, xóa đói nghèo, thành phố đã có những chính sách khuyến khích sản xuất hàng hóa phát triển, tạo cơ chế hỗ trợ, động viên, khích lệ, biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả lớn. Đồng thời quan tâm thu hút các cơ sở chế biến, tiêu thụ nông sản để tháo gỡ khó khăn đầu ra sản phẩm cho nông dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 đạt gần 14%, giá trị sản xuất ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 10% so với năm 2012; Hình thành được những mũi nhọn mới trong nông nghiệp;...
Đô thị, nông thôn cùng khởi sắc
Một trong những cố gắng rất lớn của TP.Sơn La năm 2013 đã được người dân ghi nhận: Bộ mặt đô thị và nông thôn có những khởi sắc rõ nét, kể cả ở những bản vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn như: Bản Giáng (xã Chiềng Đen), bản Nậm Tròn của đồng bào Mông (xã Chiềng Ngần)…
Lão nông Thào A Thênh - dân bản Nậm Tròn, phấn khởi chỉ vào con đường xuyên suốt bản mới được cứng hóa trước Tết Nguyên đán vừa qua, bảo: “Con đường ăn tết của bản đấy. Người Mông, người Thái ở đây bao đời chỉ mơ ước làm sao có con đường tốt để trời mưa không trượt ngã, trời nắng không bụi mù, bán củ sắn, củ khoai được dễ dàng. Nay thì thỏa mơ ước rồi, đường về tận ngõ, điện sáng từng nhà, nhiều bản được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Nhà nước quan tâm như vậy, ai cũng vui!”.
Tại TP.Sơn La, có những dự án treo hàng chục năm, có những điểm tồn đọng về giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm không dứt điểm nổi, nay được tháo gỡ một cách chóng vánh và quan trọng là tiết kiệm, đúng luật và thuận ý Đảng - lòng dân.
|
Trong khu vực nội thành, có những chuyển biến bứt phá vượt bậc, kịch tính, góp phần giảm bức xúc xã hội, tăng tiềm lực trên địa bàn. Cuối năm, thành phố còn lập được cả chợ hoa xuân bên đầu cầu 308… Đó là những thay đổi không chỉ về bề ngoài mà còn là những thay đổi về “chất” của thành phố, của cán bộ lãnh đạo.
Nói về những chuyển biến trong đô thị năm qua, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Thành tâm đắc một điều: Đúng là cách làm rất quan trọng. Mặt bằng khu Bảo tàng tỉnh là điểm nóng mấy chục năm qua, dân đòi đền bù hàng tỷ đồng. Nhưng chúng tôi đã tìm cách thuyết phục, vận động và hầu như không phải chi phí đền bù gì mà hộ dân cư cũng thấy thỏa nguyện.
Lòng dân với Đảng vẫn vậy thôi nhưng cách làm của cán bộ mang tính quyết định. Cách làm ấy chính là gắn luật với đời sống, với tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Cách làm này sẽ tiếp tục được phát huy trong năm 2014 để đưa TP.Sơn La lên một bước tiến cao hơn, vững mạnh hơn.