Dân Việt

Agribank: Tạo thế chân kiềng phát triển cà phê

21/05/2013 09:37 GMT+7
Dân Việt - “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Agribank đã khẩn trương triển khai nghiêm túc cam kết chương trình đầu tư trồng, chăm sóc, tái canh cây cà phê tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013 với tinh thần trách nhiệm cao".

"Việc thực hiện cam kết, tạo niềm tin, sự phấn khởi cho bà con nông dân tỉnh Lâm Đồng có vốn đầu tư để cải tạo, tái canh, trồng mới diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp bị sâu bệnh nặng…”, đó là phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến tại Hội nghị triển khai chương trình tín dụng tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Agribank tổ chức ngày 17/5/2013 tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng).

“Bà đỡ” cho cây cà phê

Sản xuất cà phê là một thế mạnh của Lâm Đồng, chiếm trên 60% giá trị sản xuất nông nghiệp và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế hàng năm của tỉnh. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn cho biết, tổng diện tích cà phê của tỉnh Lâm Đồng năm 2012 đạt 145.735 ha, chiếm khoảng 26% diện tích và 28% về sản lượng cà phê cả nước. Tuy nhiên phần lớn diện tích cà phê của tỉnh trong độ tuổi từ 10-15 năm (chiếm 62,3%); từ 15-20 năm chiếm khoảng 10,5%, trên 20 năm chiếm 11,8%. Đặc biệt, có khoảng 10.000-20.000 ha bị sâu bệnh nặng, cho năng suất thấp

 img
 Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến và Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Nguyễn Ngọc Bảo tại Hội nghị

Ông Bùi Đức Tiết ở xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà cho biết, vườn cà phê với diện tích 1,25 ha của gia đình ông được trồng từ năm 1988. Tính đến năm 2007 do cây cà phê còn khỏe, lại gặp thời tiết thuận lợi, sản lượng hàng năm bình quân từ 5 đến 6 tấn/ha, trừ chi phí đầu tư hàng năm lãi ròng trên 40%. Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay vườn cà phê xuống cấp, sản lượng đạt quá thấp từ 1,5 đến 2 tấn/ha. Nguyên nhân là do cà phê bị ve sầu gây bệnh nhiễm khuẩn, khiến bộ rễ của cây bị thoái hóa không phát triển được rễ cám, cành, lộc.

Bởi vậy, việc tái canh, trồng mới những diện tích cà phê già cỗi, sâu bệnh là việc làm cần thiết. Theo “Kế hoạch tái canh, cải tạo giống cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013-2015” đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, diện tích thực hiện trong giai đoạn 2013-2015 là 22.982 ha, với tổng kinh phí để thực hiện khoảng 4.428,3 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ vay ngân hàng chiếm 70%, vốn đối ứng của người dân chiếm 30%.

img
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Điều đó cho thấy, nguồn vốn tín dụng đóng một vai trò quan trọng thế nào trong việc hồi sinh và phát triển cây cà phê tại mảnh đất Tây Nguyên này. Tuy nhiên, để phát triển bền vững cây cà phê theo hướng sản xuất hàng hóa thay vì manh mún nhỏ lẻ hiện nay, bên cạnh đồng vốn tín dụng rất cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp, của cộng đồng DN.

Ba nhà cùng ra quân

“Cùng với việc ra quân triển khai đồng bộ, kịp thời và phối hợp nhịp nhàng của ba Nhà: “Nhà nước là các sở, ngành của tỉnh - Nhà nông là hộ sản xuất và doanh nghiệp - Nhà băng là Agribank” chắc chắn gói tín dụng 3.000 tỷ đồng của Agribank phục vụ cho tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sẽ thành công, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực”, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Để sự “hợp sức” ba nhà hiệu quả, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn cho rằng, công tác quy hoạch là cơ sở quan trọng hàng đầu để phát triển sản xuất cà phê một cách bền vững; khoa học công nghệ là giải pháp mang tính đột phá trong việc nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác nghiên cứu, lai tạo giống mới...

img
Đại diện Agribank đã ký hợp đồng tín dụng với các hộ sản xuất, doanh nghiệp vay vốn tái canh cây cà phê

Trong khi đó, Giám đốc Agribank chi nhánh Lâm Đồng Nguyễn Văn Chiểu đề nghị chính quyền địa phương cần khẩn trương triển khai thủ tục gia hạn quyền sử dụng đất đối với các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sắp hết hạn. Sớm xúc tiến xây dựng kho ngoại quan, đồng thời xây dựng quỹ bình ổn giá cà phê, triển khai mua tạm trữ cà phê (như tạm trữ lúa gạo) bảo đảm lợi nhuận 30% cho người trồng cà phê khi vào mùa vụ thu hoạch và giá cà phê xuống thấp... Đặc biệt, tạo điều kiện để Agribank được tiếp cận các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc, Bảo hiểm xã hội… giúp Agribank có được nguồn vốn rẻ đầu tư cho nông dân.

Là một trong những nông dân được hưởng thành quả từ nguồn vốn vay của Agribank để chuyển đổi một phần diện tích 0,8/1,48 ha cà phê già cỗi bằng hình thức ghép chồi, ông Phạm Huy Giới ở xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) cho biết, nhờ thực hiện tái canh, sản lượng cà phê năm 2012 của gia đình ông đã tăng từ 6 tấn/ha năm 2011 lên 7 tấn/ha trong năm 2012, dự kiến sản lượng cà phê thu hoạch trong năm 2013 là 9 tấn/ha.

“Tôi mong muốn với phần diện tích cây cà phê già cỗi còn lại, gia đình tôi sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình tái canh cây cà phê mà UBND tỉnh Lâm Đồng và Agribank công bố trong Hội nghị để tiếp tục chuyển đổi bằng hình thức ghép chồi trong năm 2013 và 2014. Với kết quả thu được sau khi thực hiện tái canh cây cà phê đã giúp tăng năng suất, cải thiện kinh tế gia đình”, ông Giới nói. “Chương trình tái canh cây cà phê mà UBND tỉnh Lâm Đồng và Agribank đang triển khai rất thuận lòng dân, tôi sẽ làm thủ tục để sớm tiếp cận nguồn vốn này…”, ông Bùi Đức Tiết đồng tình.

“Đây là sự khởi đầu thuận lợi và tốt đẹp cho Agribank tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Đăk Lăk và Tổng công ty Cà phê triển khai các gói tín dụng đã ký kết phục vụ cho tái canh cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên trong tháng 5 và 6/2013, đón những cơn mưa đầu mùa mang lại niềm vui cho người trồng cà phê”, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Hỗ trợ Agribank 4 - 5 nghìn tỷ đồng bằng nguồn tái cấp vốn với lãi suất thấp

Gói tín dụng để tái canh cây cà phê trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng là một trong những nội dung mà NHNN cam kết với Ban chỉ đạo Tây Nguyên tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013 tổ chức ngày 12/4/2013 tại Gia Lai. Để thực hiện chương trình, NHNN đã lựa chọn Agribank là ngân hàng chủ lực để triển khai gói tín dụng với tổng trị giá khoảng 8 - 10 nghìn tỷ đồng, thực hiện từ nay đến năm 2015 và 2016.

Trọng tâm của gói tín dụng là Agribank sẽ cho bà con nông dân vay để tái canh cây cà phê nhằm duy trì được năng suất cây cà phê bằng cách cải tạo giống để đạt được năng suất, chất lượng tốt, hiệu quả cao hơn đảm bảo cây cà phê phát triển bền vững ở địa bàn Tây Nguyên.

Qua báo cáo của Agribank và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, để tái canh cây cà phê phải cần thời gian từ 7 - 8 năm. Agribank cũng đã khảo sát rất kỹ, thời hạn cho vay phải 7 - 8 năm với thời gian ân hạn 3 năm trở lên, mới giúp được bà con nông dân về mặt thời hạn vay. Về mặt lãi suất, theo tính toán của Agribank nếu bằng chính nội lực của Agribank thì có cố gắng đến mấy cũng chỉ đáp ứng được vốn vay khoảng 11 - 11,5%/năm.

Mức lãi suất này so với mặt bằng lãi suất trung và dài hạn thông thường cũng là ưu đãi rồi. Thế nhưng đứng trước khó khăn hiện nay của nền kinh tế, NHNN sẽ hỗ trợ Agribank bằng nguồn tái cấp vốn từ 4 đến 5 nghìn tỷ đồng cho cả vùng Tây Nguyên để có thể đưa mức lãi suất cho vay về mức 10 - 10,5%/năm (thấp hơn mức lãi suất cho vay thương mại trung và dài hạn thông thường là 2%/ năm).

Agribank đã chỉ đạo các chi nhánh trên địa bàn Tây Nguyên triển khai cho vay tái canh cây cà phê và đáp ứng nhu cầu vốn cho thu mua chế biến, xuất khẩu cà phê. Tổng lượng vốn từ 8 nghìn đến 10 nghìn tỷ đồng, với lãi suất hợp lý. Trong đó, thời hạn cho vay tái canh cây cà phê là 7 - 8 năm, thời gian ân hạn là 3 năm. Lãi suất áp dụng thấp hơn mức lãi suất cho vay trung và dài hạn của TCTD khác từ 1,5 đến 2%/năm (Như vậy, tại thời điểm hiện tại mức lãi suất cho vay là 10,5%/năm.

(Theo Webssite Agribank)