Dân Việt

Anh không đói nhưng em sẽ nấu ăn nhé!

blog Lê Tiến Đạt 27/03/2014 19:40 GMT+7
Anh đề nghị triệu tập ngay cuộc họp khẩn cấp về nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình. Thành phần gồm chồng và vợ.
Anh đồng ý rằng ô-sin là một phần tất yếu của cuộc sống, nhưng anh và con chúng ta vẫn muốn được ăn những món do chính tay em nấu. Những dịp nghỉ lễ trong năm như Giỗ tổ Hùng Vương, Quốc tế Lao động, Quốc khánh… là quá hiếm hoi để bố con anh thoát khỏi những món dở ẹc của chị giúp việc.

Anh không dám chắc, nhưng có thể em đã cố tình kiếm một chị giúp việc nấu ăn dở để anh và con hiểu được giá trị đảm đang của em.

Anh chỉ dám chắc một điều là vào những buổi tối em cắm cúi với đống công văn giấy tờ công ty, bố con anh thường xuyên rủ nhau làm vài chầu bia và gọi đồ ăn vì đói. Tất nhiên là chỉ anh uống bia, còn con thì được chén đĩa bột anh nhờ hàng bia quấy hộ. Không biết chừng bột được quấy với bia anh cũng không rõ lắm, nhưng thấy con ăn ngon lành.

img

Đấy là anh không muốn nói đến một thực tế là ngay cả vào những ngày nghỉ lễ hiếm hoi (chiếm tỉ lệ 9/365 ngày trong năm), em cũng vẫn thể hiện tài nấu ăn bằng các món mua sẵn như giò lụa, thịt quay chấm mắm, cà muối đóng lọ, bánh mì kẹp thịt nguội, pa tê, xúc xích. Nếu anh nhớ không nhầm thì năm vừa rồi gia đình chỉ được ăn duy nhất một món em nấu là nồi canh măng dịp Tết. Nhưng hình như là anh cũng nhầm nốt, vì anh nghe mấy bà hàng xóm đồn là em nhờ ngoài hàng nấu hộ và chỉ việc mang nồi ra lấy về, trong lúc anh đi vắng. Anh chỉ mong trong lúc ôm laptop làm việc trong ngày nghỉ ấy, em vô tình đọc được một công thức nấu ăn.

Người học rộng, uyên bác và thành đạt như em chắc thừa biết đến câu: “Tình yêu đến với người đàn ông qua đường dạ dày”. Anh bổ sung thêm là “tình yêu của con cái dành cho mẹ chúng có khi cũng vẫn đi qua đường ấy”. Nếu buổi họp khẩn cấp này không diễn ra, hoặc diễn ra trong tình trạng là dịp để em tranh thủ kêu khổ, kêu bận kiếm tiền, anh ngờ rằng trong anh sẽ nảy nở tình yêu với các đầu bếp nhà hàng (em yên tâm là với chị giúp việc nấu ăn dở tệ thì không bao giờ) và khủng khiếp hơn là tình yêu của con chúng ta sẽ hướng về “cô gái Hà Lan”, “bà mẹ Abbott” hay “Enfa Grow” gì gì đó.

Còn nữa, anh không cổ hủ đến mức bắt em phải làm đúng mấy chữ “nâng khăn sửa túi” theo nghĩa đen, nhưng khoán trắng việc giặt quần áo cho ô-sin cũng khiến em hoàn toàn không nắm được tình hình quần áo của anh và con sờn vai, bung chỉ.

Ước gì em quan tâm đến việc nhỏ ấy bằng vài cái liếc mắt, chứ chẳng cần thuộc làu, nắm rõ chi tiết như tài chính công ty em. Chứ nhiều lần rồi anh để ý, anh em công ty trêu anh, giả vờ bôi son vào cổ áo hay xịt nước hoa nữ vào người (lúc anh say hôm liên hoan tuần trước) mà rồi em cũng chẳng hay biết gì. Sáng hôm sau chị giúp việc lại nhắc khéo anh về sự kín đáo.

Sáng qua đi họp anh mới phát hiện cổ áo mình sờn hết cả, anh lại phải nhờ cô thư ký đi mua hộ 5 chiếc sơ mi, 3 chiếc quần âu để mặc dần. Đám nhân viên chúng cũng tò mò lắm khi thấy cô ấy xúng xính vác túi lớn túi nhỏ về bắt anh thử từng cái một. Dù anh đã giải thích là anh không thích đi mua đồ còn em thì bận quá, nhưng sự nghi ngờ chắc chắn sẽ vẫn còn. Cộng với vài lần anh nhờ cô ấy mua đồ ăn để mang về, bổ sung món cho bữa cơm chiều ở nhà mình, có lẽ vài tin đồn khó chịu sẽ đến tai em nay mai thôi.

Vậy nhé, hy vọng thư này không bị lẫn trong đám thư công việc quan trọng của em để chúng ta có thể sớm bàn bạc về chuyện hệ trọng này.