Con số 5.000 tấn là nhập khẩu qua hải quan, còn bao nhiêu tấn qua các
con đường khác thì có trời mới biết. Và cũng có trời mới biết những gì
chứa trong bột ngọt siêu rẻ của Trung Quốc. Dân mình ít người biết để
phân biệt thật - giả, chỉ thấy nhãn hiệu quen thuộc Ajinomoto, Miwon,
Vedan là mua, rẻ lại càng tốt.
Cũng có thể có người kỹ lưỡng, biết bột ngọt siêu rẻ của Trung Quốc có
thể là hàng giả, gây nguy hiểm cho sức khỏe nên không mua. Họ thà chịu
mất nhiều tiền hơn để sử dụng hàng thật. Nhưng cho dù cẩn thận như vậy,
họ cũng không thoát được cuộc bao vây của bột ngọt Trung Quốc trên thị
trường hiện nay.
Số bột ngọt này được đưa vào các cơ sở sản xuất mì ăn liền và các sản
phẩm thực phẩm đóng gói khác. Ăn một bát mì, đố ai biết trong đó bột
ngọt giả hay thật?! Cũng không trách được các nhà sản xuất, bởi vì họ
mua bột ngọt nhập khẩu chính ngạch, tất nhiên là chọn loại rẻ nhất để
thu lợi cao nhất. Chưa kể loại bột ngọt nhập lậu tràn lan ở các chợ.
Bà nội trợ có thể cẩn thận không mua bột ngọt xuất xứ từ Trung Quốc,
nhưng khi đi ăn hàng quán, không ai hỏi chủ quán có sử dụng bột ngọt
Trung Quốc làm gia vị hay không. Bát phở, tô bún, nồi lẩu trên bàn của
thực khách hoàn toàn có khả năng được nấu từ phụ gia bột ngọt siêu rẻ.
Chưa kể, có một sản phẩm cực “độc” khác của Trung Quốc là siêu đường, bỏ
một viên vào là nồi phở rất ngọt, mà không cần nấu nước từ xương.
5.000 tấn, 10.000 tấn và có thể hàng chuc ngàn tấn bột ngọt siêu rẻ của
Trung Quốc tấn công vào mâm cơm, bữa ăn của gia đình người Việt. Càng
nghĩ càng thấy sợ, không biết họ đã bỏ những thứ gì vào trong những gói
bột ngọt đó? Trung Quốc từng có quá nhiều sản phẩm ăn uống giả, đầu độc
ngay chính dân họ, cho nên khó để tin rằng, nó không gây hại cho dân
nước khác. Còn dân mình, vì cái lợi cho bản thân, nhiều người nhập lậu
bột ngọt và nhiều sản phẩm ăn uống không nhãn hiệu nguồn gốc từ Trung
Quốc.
Bệnh viện ung bướu ngày càng nêm cứng bệnh nhân, chưa kể nhiều bệnh tật
khác đang đe dọa người dân mà nguyên nhân là do ăn uống thực phẩm không
an toàn. Dân mình nghèo, lại chi phí cho thuốc men, điều trị bệnh tật
cao hơn các nước.
Tại phiên họp chuyên đề Chính phủ hôm qua (21.3), Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng nói: “Phải kéo giá thuốc ở các bệnh viện xuống, không thì dân khổ
quá, vì nói bao nhiêu thì vay mượn cũng phải mua bấy nhiêu”. Giảm đồng
tiền thuốc cho dân là quá cần, nhưng cần hơn là hạn chế các cơ hội gây
bệnh cho dân, và bột ngọt siêu rẻ từ Trung Quốc có thể là một thứ gây
bệnh nhãn tiền.