Trong khi có nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi của dự thảo Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015 với kinh phí lên tới trên 34.000 tỷ đồng, Giáo sư Phạm Minh Hạc- nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng: “Dù có tốn kém nhất định chúng ta vẫn phải làm. Vấn đề làm như thế nào cho đúng, để đạt hiệu quả cao mà không gây lãng phí, tham nhũng”.
Từng là Bộ trưởng Bộ GDĐT, theo ông, để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục cần những yếu tố gì?- Để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Việt Nam cần phải giải quyết được 3 vấn đề mấu chốt: Phải làm bằng được một bộ sách giáo khoa (SGK) mới; thứ hai phải có đội ngũ giáo viên mạnh cả về số lượng và chất lượng; thứ 3 có một hệ thống cơ sở vật chất phục vụ việc học và hành đầy đủ, hiện đại.
GS Phạm Minh Hạc:“Muốn đổi mới SGK chúng ta cần phải có một bản đánh giá toàn diện cụ thể, gắn liền với đề án đổi mới SGK”.
Trong 3 vấn đề trên, việc viết SGK là quan trong bậc nhất, điều này góp phần quan trọng trong việc định hướng cũng như thực hiện công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Tuy nhiên, muốn tiến hành làm SGK mới, trước hết chúng ta phải xem sách giáo khoa cũ đã có gì, cần có thêm những gì? Căn cứ vào đó đưa ra quyết định đổi mới mới có thể thuyết phục.
Giáo sư nhận định gì về dự thảo đề án đổi mới chương trình và SGK vừa được Bộ GDĐT trình thường vụ Quốc hội?- Nội dung của dự thảo mới đề cập tới nhiều vấn đề, trong đó có việc tích hợp trong giáo dục tiểu học và THCS, nhưng lại không thấy có phần nhận diện khái niệm: Thế nào là tích hợp? Cá nhân tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều nhà khoa học lớn thấy rằng chúng ta hoàn toàn có thể tích hợp được, thế nhưng tích hợp cái gì, tích hợp theo hướng nào thì cần phải bàn thêm.
Tôi đã từng xem qua cuốn sách tích hợp hóa – sinh trong chương trình tiểu học của Pháp. Nói là tích hợp nhưng giở ra thì chỉ thấy nửa sách bên này là hóa, nửa sách bên kia là nói về sinh học. Như vậy, liệu đã là tích hợp chưa? - Một nội dung được xem là cần đổi mới nữa khi làm SGK mà dự thảo này đề cập đó chính là việc xây dựng chương trình theo hướng tự chọn cho học sinh cuối cấp THPT. Cái này ở các nước phát triển như Anh, Mỹ người ta đã làm từ lâu, làm rất tốt. Giờ mình đưa vào cũng phù hợp thôi, nhưng một vấn đề quan trọng như vậy lại chỉ được trình bày trong 2 trang giấy với những gạch đầu dòng rất sơ sài thì tôi e khó làm tốt được.
Vậy theo Giáo sư, cần phải làm thế nào để dự thảo sáng rõ hơn?- Về căn bản, theo tôi muốn đổi mới SGK chúng ta cần phải có một bản đánh giá toàn diện cụ thể, gắn liền với đề án đổi mới SGK. Ví như đánh giá toàn diện xem quá trình thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đã làm được gì? Sách hiện hành đã đáp ứng được bao nhiêu yêu cầu của việc dạy và học?... Tất cả cần phải cụ thể hóa, ví dụ như có nhà khoa học nói SGK toán trong bậc học THPT đang quá tải, con số cụ thể là quá tải hơn 40% số tiết.
Muốn đổi mới cần phải tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, dựa trên nền tảng cái cũ đó để làm cái mới thì nó mới có giá trị thực tiễn. Đặc biệt, để khẳng định tầm quan trọng của việc đổi mới SGK, đề án cũng nên phác họa, triển vọng hoặc chỉ ra mục tiêu sau đổi mới SKG nền giáo dục Việt Nam trong tương lai sẽ thế nào, đứng ở vị trí nào mới đúng.
Khi Bộ GDĐT đưa ra con số 34.000 tỷ đồng để đổi mới SGK và phương pháp dạy học, nhiều người cho rằng lãng phí, ông nhận định thế nào về con số này?
- Nếu nói bỏ ra 34.000 tỷ đồng để đổi mới SGK, đổi mới giáo dục là lãng phí thì tôi không đồng tình. Để đổi mới giáo dục chúng ta còn cần số tiền lớn hơn con số này nhiều lần. Đúng là mấy hôm nay, dư luận rất “sốc” với con số 34.000 tỷ đồng, tôi thì nghĩ rằng nên nhìn nhận khách quan về con số này.
Đổi mới SGK, phải gắn liền với đổi mới trang thiết bị, phòng học, trường lớp thì chất lượng giáo dục mới mong được cải thiện. Năm 2004 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu thực hiện kiên cố hóa trường lớp, thống kê của Bộ GDĐT cho thấy khoảng 70% trường đã được kiên cố hóa, nhưng con số thực tế còn thấp hơn nhiều. Nếu trường lớp không được kiên cố, phòng học không mở rộng, sĩ số không giảm (từ 30-50 học sinh như hiện nay) thì khó mà áp dụng việc đổi mới theo hướng tự chọn được…
Đi cùng với phòng ốc là giáo viên, nếu không được đào tạo theo hướng đổi mới thì việc đổi mới SGK không có mấy ý nghĩa. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác nữa. Vì thế, chi phí đi kèm sẽ rất nhiều.
Vậy vấn đề ông lo ngại ở đây là gì, thưa Giáo sư?
"Đất nước chúng ta có thể nghèo, nhưng giáo dục thì không thể lạc hậu. Dù tốn kém, nhưng Quốc hội phải quyết đoán, không làm quyết liệt là có tội với tương lai vận mệnh của đất nước sau này”. GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT
|
- Tiền thì chúng ta vẫn phải chi, vấn đề chi thế nào cho hợp lý. Hiện nay ta đề ra chủ trương tin học hóa trong trường học, vậy nhưng nhìn lại thì thấy hiệu quả không cao. Ngay tại Thủ đô, áp dụng tin học hóa còn hạn chế thì hỏi các trường ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa áp dụng thế nào được.
Cho nên theo tôi, quan trọng nhất là phải chi có hiệu quả, và phải làm rõ hiệu quả từng khoản chi. Bộ GDĐT nói đây chỉ là con số “khái toán” - có nghĩa là tính toán khái quát, nhưng dù có là khái quát đi chăng nữa thì vẫn phải tính toán. Mà đã tính toán thì phải tính toán cụ thể, chi tiết mới có tính thuyết phục được Quốc hội, được nhân dân.
Không thể lúc thì khái toán hết 70.000 tỷ, lúc lại nói khái toán hết 34.000 tỷ được, 2 con số này chênh nhau khá nhiều.
Xin cảm ơn Giáo sư!