Hôm qua (13.3), tại Đà Nẵng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức lễ phát động Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” và giao lưu với thân nhân các gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh từng tham gia trận hải chiến Gạc Ma ngày 14.3.1988.
Cách đây 26 năm - ngày 14.3.1988, Trung Quốc đã đánh chiếm đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong một cuộc chiến không cân sức để bảo vệ đảo đá Gạc Ma, 64 cán bộ, chiến sĩ của ta đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh.
Tại buổi giao lưu, anh Trần Văn Thu (SN 1963, quê Hà Nam) kể, anh không ngờ rằng chuyến tàu Thống Nhất từ Hà Nội đi Sài Gòn dừng ở ga Đồng Văn (Hà Nam) 3 phút vào một buổi sáng tháng 3.1985 là những giây phút cuối cùng gia đình anh được thấy người em út, Trần Văn Bảy (SN 1964- liệt sĩ).
Anh Trần Văn Bảy sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước khi có bố là chiến sĩ giải phóng Điện Biên, 2 anh đều đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, bản thân anh Trần Văn Thu cũng từng là cựu chiến binh tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
“Em trai tôi, Trần Văn Bảy thuộc diện được miễn nghĩa vụ quân sự nhưng nó vẫn viết đơn tình nguyện nhập ngũ với một suy nghĩ đơn giản: Khi Tổ quốc cần thì phải lên đường”- anh Thu chia sẻ.
Tháng 3.1985, Bảy nhập ngũ vào Lữ đoàn Hải quân 125, đóng quân ở TP.HCM, khi mới 19 tuổi. “Ngày tiễn chân Bảy vào Nam, tại sân ga Đồng Văn chỉ có tôi và vài người thân trong gia đình. Tàu chỉ dừng ở ga có 3 phút, nên gia đình chỉ kịp dặn dò Bảy phải cố gắng huấn luyện thật tốt và lâu lâu viết thư về. Không ngờ đây là lần cuối cùng cả gia đình được thấy em nó”- anh Thu nghẹn ngào.
Nhiều câu chuyện xúc động khác về các chiến sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma cũng đã được chia sẻ, kể lại tại buổi giao lưu. Và đây cũng chính là tinh thần của buổi giao lưu: Chúng ta có mặt tại đây để cùng ôn lại những ký ức bi tráng của cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng; thể hiện lòng tri ân và quyết tâm đồng hành của hậu phương với những người lính đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ từng tất đất biên cương, giữ vững sự bình yên cho đất mẹ Việt Nam.
Liên quan đến việc đề xuất xây đài tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma, trao đổi với NTNN, ông Hoàng Công Thái - Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) cho biết: Chúng tôi hoan nghênh việc xây đài tưởng niệm này. Chúng ta hoàn toàn có thể ủng hộ xã hội hóa trong việc huy động các nguồn lực xây dựng đài tưởng niệm.
Tuy nhiên, vấn đề biển đảo thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng vì vậy, khi muốn xây dựng đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ cũng cần phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng. Bên cạnh đó, vì tiền xây đài tưởng niệm là tiền quyên góp, ủng hộ nên quá trình thực hiện cũng cần lập ban quản lý. Việc quản lý quỹ như thế nào, ai quản lý sẽ do Bộ Nội vụ xem xét.