Trong tình hình nhiều doanh nghiệp hợp tác với nông dân nhưng làm chưa “tới”, nông dân vẫn phải chịu phần thiệt như hiện nay, hoạt động này được ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đánh giá là một sự kiện “rất quý, rất hiếm”.
“Quý và hiếm” trước hết, là vì trong tình cảnh chung của nền kinh tế hiện nay, thị trường chứng khoán cũng luôn trong cảnh “chợ chiều”, thế nhưng, khi gặp trao đổi với một số nông dân vùng nguyên liệu, thấy bà con hào hứng, phấn khởi với việc mua cổ phiếu của AGPPS, coi như đơn vị này đã rất thành công.
Quý và hiếm là bởi đây là lần đầu phát hành cổ phiếu giá ưu đãi cho nông dân, AGPPS phải tới từng nhà để giải thích, kêu gọi, thậm chí năn nỉ bà con tham gia nên đây cũng có thể coi là sự hùn vốn, cùng hợp tác làm ăn chứ không hẳn là đầu tư kinh doanh kiếm lời lãi.
Phó Chủ tịch TƯ.Hội Nông dân Việt Nam - Ông Lại Xuân Môn (trái) tới dự và trao sổ cổ đông cho nông dân.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang bẻ hợp đồng, rồi xem nông dân là những người sống chết mặc bay thì chuyện của AGPPS quả thực đáng suy nghĩ. Doanh nghiệp đã tạo được niềm tin với nông dân, cùng chia sẻ lợi nhuận, khó khăn, cùng phát triển nông nghiệp… nên chữ “tín” là rất quan trọng”.
Và quan trọng hơn nữa, là từ việc mua cổ phiếu này, người nông dân vốn bao đời làm thuê nay đã có một vị thế mới, được làm chủ, được góp tiếng nói vào việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với doanh nghiệp.
“Xưa nay nói hợp tác bốn nhà nhưng vai trò nhà nông còn mờ nhạt lắm. Nay có cơ hội nên tui cũng quyết liều một phen”- nghe nhiều nông dân chia sẻ, mới thấy thấm thía. Có nhiều bà con nông dân cũng bày tỏ mong muốn, sự kiện “quý và hiếm” tại AGPPS sẽ được nhân rộng trong cộng đồng doanh nghiệp, tạo thêm nhiều cơ hội cho nông dân có cái sổ để dành, phòng khi “tối lửa tắt đèn”.
Trong nhiều tiếng khen nức nở như vậy, ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AGPPS chỉ khiêm tốn nói, giữa những doanh nghiệp “rất lộn xộn” trên thị truờng hiện nay, đơn vị này cố gắng làm tốt nhất nhiệm vụ của mình. Đúng quá! Làm tốt nhất nhiệm vụ của mình, cũng chính là làm tốt hình ảnh của mình và đương nhiên mỗi khi doanh nghiệp đã tốt lên thì người nông dân được phần nhờ.
Hy vọng, việc “đong đều, chia đủ” giữa AGPPS và nông dân trồng lúa sẽ giúp phân chia lợi nhuận công bằng giữa các bên, giúp mối liên kết nhà nông – doanh nghiệp bền chặt hơn nữa. Đây cũng chính là giải pháp căn cơ phát triển ngành nông nghiệp mà chúng ta đang hướng tới.