Dân Việt

Lên Tây Bắc là gặp Tướng Giáp thôi...

Kiều Thiện 08/10/2013 06:47 GMT+7
“Dù Tướng Giáp đã ra đi thì ở mảnh đất này, Tướng Giáp vẫn còn sống. Cứ lên Tây Bắc là gặp lại Tướng Giáp thôi...”.
Đó là lời tâm sự trong nghẹn ngào nước mắt của ông Nguyễn Văn Ký-cựu thanh niên xung phong thuộc Đội 354 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Tự hào là quân Tướng Giáp

Ông Ký kể: “Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là một thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên tuyến đường huyết mạch nối Điện Biên Phủ với chiến trường cả nước- đó là đèo Pha Đin. Đèo Pha Đin ngày ấy không chỉ có hoa ban, gió trời, mây trắng mà còn có cả mồ hôi, máu và nước mắt của bao con người tham gia cuộc chiến.

Ngày ấy tôi mới 18 tuổi, là nông dân chính gốc từ Thanh Hoá ra. Chúng tôi đến với cuộc chiến bởi những lý do đơn giản: Muốn độc lập dân tộc, muốn hoà bình, cơm no-áo ấm; tin tưởng ở Bác Hồ, ở Tướng Giáp…

Năm 1984, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ giữa núi rừng Tây Bắc.
Năm 1984, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khi làm thanh niên xung phong trong chiến dịch này, nguy hiểm rình rập bởi máy bay địch ném bom hàng ngày, biết bao đồng đội của ông Ký đã anh dũng hy sinh. Đã vậy, lương thực, thực phẩm rất thiếu thốn, bữa đói, bữa no, áo quần bạc, rách, giá lạnh đến gai người… “Nhưng không ai bỏ cuộc, không ai trốn tránh trách nhiệm được giao. Cứ gặp khó khăn, nói đến Bác Hồ, đến Tướng Giáp là chúng tôi lại hăng hái” - ông Ký cho hay.

Tuy chỉ là thanh niên xung phong nhưng những người như ông Ký vẫn luôn tự hào mình là quân của Tướng Giáp. Ngày ấy, quan điểm “Đã đánh là phải chắc thắng” thấm nhuần trong mỗi người và thành phương châm hành động trong mọi việc. Kể cả vào bản làm dân vận cũng phải tính cử ai, ăn nói làm sao, tiếp xúc dân thế nào để được lòng dân nhất, để dân hiểu bộ đội cách mạng nhất...

Niềm tự hào là quân Tướng Giáp đi theo họ đến tận hôm nay. Thỉnh thoảng những cựu chiến binh, TNXP trong chiến dịch Điện Biên Phủ lại tụ hội, tâm sự với nhau về những ngày làm quân của Tướng Giáp.

Ông Ký nói: “Chúng tôi vẫn bảo nhau: Mình còn sống, trưởng thành, là người trong đội quân chiến thắng là một may mắn lớn, hạnh phúc lớn. Làm nên cái may mắn ấy, hạnh phúc có một phần lớn nhờ vào tài thao lược quân sự của vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp”.

“Cứ lên Tây Bắc là gặp lại...”

Nghe tin Tướng Giáp từ trần, những người dân, cựu chiến binh chiến dịch Điện Biên Phủ đang sống ở vùng Tây Bắc đều có chung một nỗi niềm thương tiếc, nhớ về vị tướng - người thân thiết của nhân dân các dân tộc Tây Bắc.

“Ông ấy đã sống ở đây như một người dân Tây Bắc. Ông ấy đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, làm cả nước được thế giới biết đến. Điện Biên Phủ giàu đẹp như hôm nay cũng là nhờ Tướng Giáp. Ông Giáp luôn được người dân Điện Biên nhớ tới, đời con, đời cháu chúng tôi vẫn biết ơn Tướng Giáp” - lão nông Lò Văn É, 81 tuổi, dân bản Nà Tấu, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, bảo vậy.

"Ông ấy đã sống ở đây như một người dân Tây Bắc. Ông ấy đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, làm cả nước được thế giới biết đến. Điện Biên Phủ giàu đẹp như hôm nay, trở thành vùng đất du lịch thu hút khách từ nhiều nơi tìm đến cũng là nhờ Tướng Giáp...”.
Lão nông Lò Văn É

Với cựu chiến binh Tô Quang Khoan - nguyên Quản trị trưởng của C671, D251, E174, Đại đoàn 316 thì niềm tự hào về một thời là lính Điện Biên Phủ luôn đi cùng niềm tự hào là quân của Tướng Giáp.

Ông Khoan bảo: Chúng tôi chiến đấu, hy sinh không tiếc máu xương là bởi có một niềm tin lớn về tài thao lược cầm quân của vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp. Cựu chiến binh ở Điện Biên mấy ngày qua ai cũng xót xa vì mất một người thân thiết...

Trở lại với cựu TNXP Nguyễn Văn Ký đang sống ở TP. Sơn La, ông bảo: Sách, báo, lịch sử đã nói nhiều về Tướng Giáp rồi. Có cả những chuyện bây giờ người ta mới kể. Những câu chuyện đó làm cho nhiều người cả trong và ngoài nước, thậm chí cả những người từng là quân của Tướng Giáp sẽ hiểu thêm về tài trí, đạo đức của ông.

Tướng Giáp đã qua đời, nhưng với Tây Bắc thì hình ảnh Tướng Giáp mãi mãi lưu truyền, ông mãi sống trong lòng người dân Tây Bắc. Ở đất Phù Yên (Sơn La) có khu rừng mang tên rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù bà con các dân tộc Thái, Mông, Mường ở đó rất nghèo nhưng không phá rừng Đại tướng để lấy gỗ, làm nương. Chỉ từng ấy thôi, cũng thấy lòng người Tây Bắc luôn hướng về Đại tướng!