Dân Việt

Căn bệnh mang thai giả và những triệu chứng kì lạ

VnExpress 04/04/2014 17:10 GMT+7
Quá mong con, nhiều người có biểu hiện lâm sàng bên ngoài cũng như bên trong giống hệt người có bầu, nhưng thực tế trong bụng không có thai.
Theo thuyết Pavlop, bệnh thường xuất hiện ở những người có loại hình thần kinh nghệ sĩ yếu, khi bị stress (ở đây là sức ép phải có con), sẽ xuất hiện các triệu chứng có thai giả thông qua cơ chế tự ám thị.

Mang thai giả có tên tiếng Anh là false pregnancy, phantom pregnancy, hysterical pregnancy, jestation, nhưng phổ biến nhất là pseudocyesis. Theo bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD10), mang thai giả được xếp vào mục các rối loạn tâm thần.

Ảnh: personal.Psu.edu.
Ảnh: personal.Psu.edu.

Bệnh ít gặp, thường liên quan nhiều tới yếu tố tâm lý, gây ra thay đổi hệ thống nội tiết của cơ thể nhất là trục Dưới đồi - Tuyến yên - Tuyến thượng thận, dẫn tới việc tăng tiết các hoóc môn (estrogen, prolactin và cortisol), làm thay đổi cơ thể giống như thay đổi của người có thai.

Theo số liệu của Mỹ, vào những năm 1940 tỷ lệ mắc chứng bệnh này khoảng 1/250 người có thai. Tỷ lệ này đang giảm mạnh, hiện nay còn khoảng 1-6 trên 22.000 người có thai. Hơn 2/3 số người mắc tình trạng này đã có chồng, 1/3 đã có thai ít nhất một lần.

Triệu chứng có thai giả cũng hay gặp ở đàn ông da đỏ (có tục lệ chồng nằm thay vợ để mọi người tới chúc mừng sau sinh).

Ở Việt Nam, năm 1984 Viện sức khoẻ tâm thần cũng tiếp nhận điều trị cho một phụ nữ được chẩn đoán có thai giả sau 10 tháng mang bầu chưa sinh. Người bệnh được chẩn đoán là có thai giả hysteria và được điều trị khỏi bằng liệu pháp tâm lý.

Nguyên nhân

Cho tới nay, có nhiều lý giải khác nhau về hiện tượng này nhưng không lý giải nào được chấp nhận vì sự phức tạp liên quan tới vỏ não, dưới đồi, nội tiết và các căn nguyên tâm lý.

- Theo thuyết phân tâm của Freud: Đó là do xung đột giữa vô thức của người bệnh (luôn mong mỏi có con) với ý thức, thiếu sự kiểm soát vô thức và chịu sức ép của siêu thức (gia đình, chồng, những người thân… muốn người bệnh mau chóng có con).

- Theo thuyến thần kinh - nội tiết của Hans Selye: Khi stress tác động vào não bộ, làm thay đổi các dẫn truyền thần kinh, tác động vào các tuyến nội tiết (Dưới đồi - Tuyến yên - Tuyến thượng thận) làm thay đổi bài tiết các hoóc môn, trong trường hợp này là tăng tiết estrogen, prolactin và cortisol.

- Theo thuyết Pavlop: Bệnh thường xuất hiện ở những người có loại hình thần kinh nghệ sĩ yếu (nặng về cảm xúc, hay lo lắng, dễ xúc động, nhẹ về lý trí, thiếu sáng suốt, dễ bị ám thị và tự ám thị), khi bị stress (ở đây là sức ép phải có con) sẽ xuất hiện các triệu chứng có thai giả thông qua cơ chế tự ám thị.

Bệnh xuất hiện hoàn toàn do vô thức, ngoài ý muốn, người bệnh luôn tin rằng mình có thai, chứ không phải do cố ý, điều mà nhiều người gán cho họ là giả vờ, nói dối, ma làm… dẫn đến kỳ thị với người bệnh.

Biểu hiện lâm sàng

Triệu chứng của mang thai giả cũng giống như mang thai thật và khó chẩn đoán phân biệt nếu chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng. Biểu hiện: mất kinh, buồn nôn buổi sáng, vú căng, có thể tiết sữa tăng cân, bụng to ra như có thai thật, tử cung to ra, mềm cổ tử cung…

Bệnh thường gặp ở những người nghèo, trình độ học vấn thấp, thiếu sự chăm sóc y tế, những người có tuổi thơ ấu bị lạm dụng tình dục, loạn luân, thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ…

Trước kia tỷ lệ mắc cao do chẩn đoán chỉ dựa vào lâm sàng. Nhưng hiện nay với sự tiến bộ của khoa học, sự nhận thức cao của người dân nên bệnh ngày càng ít gặp. Để sớm có kết luận chính xác, người bệnh nên đi khám thai định kỳ, siêu âm thai là một kỹ thuật đơn giả rẻ tiền, cho chẩn đoán chính xác hoặc xét nghiệm nước tiểu phát hiện có thai hay không…

Khi xác định có thai giả, nên chuyển người bệnh tới khám chuyên khoa tâm thần. Điều trị chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý cá nhân, liệu pháp tâm lý gia đình… Thuốc giải lo âu có thể kết hợp nếu cần nhưng không nên kéo dài dễ gây lệ thuộc thuốc.

Cách phòng bệnh tốt nhất là nâng cao nhận thức cho phụ nữ về những vấn đề liên quan tới thai sản, tăng cường chăn sóc sức khoẻ sinh sản cho chị em. Bồi dưỡng nhân cách cho người bệnh.