Nhóm nhạc tiểu học Girl Story đang bị dư luận lên án vì tuổi tác không phù hợp với môi trường khắc nghiệt của làng giải trí - Ảnh: Gokpop |
Sao nhí - tín hiệu vui hay nỗi lo
Thời gian gần đây, không chỉ báo chí Hàn Quốc mà cả dư luận đang xôn xao về việc một nhóm nhạc nhí với các thành viên 9-11 tuổi được xây dựng như một nhóm nhạc "thần tượng" thực thụ. Với độ tuổi trung bình 9,75 nhưng các em đã phải ăn mặc gợi cảm và hát nhạc tình yêu y như những ca sĩ người lớn khác.
Điều này khiến nhiều khán giả, đặc biệt là các bậc phụ huynh vô cùng lo ngại, nhất là khi xem ca khúc vừa ra mắt Pinky của nhóm. “Các cháu chỉ mới học tiểu học mà phải mặc váy ngắn hở đùi và hát nhạc tình yêu. Điều đó thật sự không phù hợp với lứa tuổi của các cháu chút nào” - một cư dân mạng bức xúc.
Trong làng giải trí Hàn Quốc, không ít những ca sĩ thành công từ rất sớm như Dongho của nhóm U-Kiss, Kang Jiyoung của nhóm Kara ở tuổi 16, Taemin của nhóm SHINee ở tuổi 17,… Họ đều bắt đầu sự nghiệp khi đang còn là học sinh trung học cơ sở. Mới đây một nhóm nhạc khác là GP Basic với các thành viên độ tuổi tiểu học và trung học cũng gây rất nhiều tranh cãi.
Thành viên nhí Janey (12 tuổi) của GP Basic đã bị cấm biểu diễn - Ảnh: Allkpop |
Các công ty giải trí thì không ngừng ca tụng đây là những ngôi sao Disney xứ Hàn, là tín hiệu vui của làng Kpop. Họ lý luận rằng tuổi trẻ mà tài cao thì cần khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, điều họ mang đến cho khán giả không phải là một nhóm nhạc nhí tài năng mà là một nhóm nhạc nhí giả danh người lớn. Người lớn trong cả dáng vẻ lẫn phong cách biểu diễn trong khi độ tuổi của họ. Và hậu quả là ca sĩ nhí Janey (12 tuổi) của GP Basic đã bị cấm biểu diễn.
Mặt trái của sự thành công
Muốn trở thành một ca sĩ, nhóm nhạc thần tượng thực thụ thì ngoài năng lực thật sự, điều không thể thiếu với các tài năng trẻ còn là phải tuân theo mọi sắp đặt từ các công ty giải trí. Từ cách ăn mặc sao cho thu hút, những điệu nhảy mê hoặc lòng người đến cả lịch trình luyện tập đặc kín đến nỗi chỉ được ngủ 3 hay 4 tiếng/ngày không phải là chuyện lạ.
Trong khi đó, Công ty quản lý của Girl Story cho biết: “Chúng tôi thành lập Girl Story không phải vì mục đích kiếm tiền mà để giúp các em thực hiện ước mơ của mình”. Tuy nhiên, họ lại không đề cập khía cạnh đời sống tinh thần và giáo dục của các sao nhí này. Những cô cậu bé còn đang tuổi ăn tuổi lớn, nhanh chóng trói mình trong những buổi luyện tập, những chuyến lưu diễn thì liệu có còn vui tươi và hồn nhiên như trước?
Nhà phân tích âm nhạc Im Jinmo nhận xét: “Ngành công nghiệp giải trí là một "xã hội" đáng sợ và nặng nề. Thoát khỏi vỏ bọc gia đình từ quá sớm để dấn thân vào môi trường khắc nghiệt như vậy là trái với quy luật trưởng thành của các em. Và dù có thành công, các em có thể sẽ rơi vào tình trạng cô đơn và mâu thuẫn bản thân”.
Không nhiều những công ty giải trí quan tâm đến khía cạnh đời sống tinh thần của những đứa “con cưng” của mình. Như Cube Entertainment, công ty quản lý của nhóm nhạc 4Minute và BEAST đã mời hẳn các chuyên gia đến giảng dạy về văn hóa và giáo dục giới tính cho các thành viên nhóm mỗi tuần. Tuy nhiên đó chỉ là thiểu số bên cạnh những bản hợp đồng chỉ toàn bóc lột sức lao động của các ca sĩ, diễn viên.
Những nhóm nhạc tiểu học, trung học liệu có là tín hiệu vui của làng kpop? (trong ảnh là nhóm nhạc GP Basic) - Ảnh: Allkpop |
Những bản hợp đồng “nô lệ”
Lật lại hồ sơ kiện tụng trong làng giải trí xứ Hàn, rõ ràng khi đạt được địa vị mình ước mơ, các tài năng trẻ mới thấm thía họ đã phải trả giá bằng cả tuổi trẻ và sức lực bị vắt kiệt bởi các công ty quản lý. Đỉnh điểm là mâu thuẫn giữa H.O.T., ShinHwa, ba thành viên của nhóm DBSK rồi đến Hangeng của Super Junior với công ty quản lý lớn nhất nhì Hàn Quốc SM Entertainment.
Thành công từ ngôi nhà SM Entertainment nhưng cũng chính tại đây các ngôi sao phải hứng chịu những bất công, phi lý trong những bản hợp đồng “nô lệ” kéo dài gần 13 năm với tỉ lệ phân chia lợi nhuận là 3:7 (phần ít thuộc về các ca sĩ).
Sau hơn năm năm vào nghề, các thành viên đều kiệt quệ về tinh thần và thể lực do phải thường xuyên đi lại giữa các nước để quảng bá hình ảnh, chỉ ngủ được 3 - 4 tiếng mỗi ngày và chỉ được phép nghỉ một tuần trong năm. Nếu vi phạm hợp đồng, họ phải bồi thường gấp ba số tiền đầu tư và gấp hai lần phí thiệt hại của công ty. Điều này đồng nghĩa với việc một khi đã ký vào những bản hợp đồng này, các ca sĩ phải trói chặt đời mình tại đây.
Những bức xúc từ ba thành viên Kim Jun Su, Kim Jae Joong và Park Yoo Chun của DBSK đã phần nào hé lộ mặt trái của làng giải trí xứ Hàn. Khi Ủy ban Tự do thương mại Hàn Quốc bắt tay vào điều tra hợp đồng của 230 nghệ sĩ thuộc 20 công ty giải trí thì hầu hết hợp đồng đều theo hướng bất lợi cho các ngôi sao và trói chặt họ trong khoảng thời gian dài: Yoona của SNSD với SM (13 năm), Wonder girls với JYP Entertainment (7 năm), Big Bang với YG Entertainment (5 năm), SS501 với DSP Entertainment (5 năm)…
Đằng sau những thành công rực rỡ và cuộc sống xa hoa của các ca sĩ, nhóm nhạc thần tượng là cả một sự thật đau đớn về ngành giải trí xứ Hàn với những bản hợp đồng “nô lệ” và một tuổi thơ hồn nhiên bị tước đoạt không thương tiếc.