Mỗi khi con nước lũ trở nặng phù sa của dòng Mê Kông đổ về miền Tây, cả vùng đất- nước ấy lại rạo rực một cuộc tái tạo mới. Cá, tôm, cua… béo mẫm, đặc sịt kênh rạch. Và hoa. Phù sa đổ về đến đâu, rực rỡ hoa cười đến đó. Nhìn sắc hoa trong mùa nước nổi, dân miền Tây biết phù sa nhiều hay ít, mùa lũ năm nay trúng hay thất. Phù sa “thổi” những lục bình, sen, súng, điên điển, củ co, kèo nèo, tai tượng, bồn bồn, năn, lát, mò om… lớn từng phút, từng giờ. Không chỉ thổi cho rau, hoa lớn bùng lên mà dòng phù sa còn làm dịu đi những vị chát, đắng trong những loài cây dại này, khiến chúng thành nhân nhẩn ngọt, thơm, trở thành những loại rau – thuốc mát lành, không đâu có. Kiếm rau – hoa đi bán thành cái nghề cho phụ nữ, cho người già. Những người yếu thế ấy, không chỉ “kiếm chút cháo” mà còn “dư chút đỉnh”. Mùa nước nổi - mùa phù sa miền Tây, bên con tôm con cá, bên những đồng hoa mênh mang, con người sống nhẹ nhàng như thế, tạo nên cho cư dân nơi đây sự hào sảng thành bản sắc riêng có, đặc trưng cho vùng đất - nước Cửu Long Giang.
Mùa nước nổi, miền Tây thành những cánh đồng hoa. Hoa trắng ngần, thơm ngọt, không thể trồng được ở đâu ngoài dòng phù sa tự nhiên này. Bông sen – Nữ hoàng của các loại hoa trên cánh đồng mùa nước nổi. Điên điển có mọi nơi, sắc và vị không lẫn được, thành “chất riêng” cho mùa nước nổi. Với bông điên điển chúm chím, hình như ai cũng muốn cười theo. Mùa phù sa những bông lục bình cũng thắm sắc khác thường và cũng ngọt mát để thêm vị cho những món ăn dân dã mà sang trọng miền Tây. Chỉ với con thuyền nhỏ bên bàu súng cũng đủ cho người phụ nữ này kiếm “dư chút đỉnh”. Cửa hàng rau - bông súng bán rong trên đường, rất lạ với người nơi xa, rất quen với cư dân miền Tây. Phù sa về để hoa tràm nở trắng rừng cho những đõ ong trĩu mật của mùa mật ong tràm nổi tiếng. Hoa súng đỏ Hoa cỏ dại trong dòng phù sa cũng có sắc khác thường.