Có cũng như không
Từ tháng 4.2013, nhiều ngư dân ở Thừa Thiên- Huế phấn khởi khi tàu cá của mình được lắp đặt miễn phí hệ thống kết nối vệ tinh, thuộc thuộc Dự án Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh Movimar do Chính phủ Pháp tài trợ với kinh phí 14,5 triệu euro. Đây là thiết bị nhận tín hiệu GPS, định vị 24/24 giờ, gồm có ăng ten thu phát, màn hình hiện thị thông tin và báo thông tin về đất liền.
Thiết bị kết nối vệ tinh trên tàu cá của ông Ngô Đức Tâm “chết yểu” sau khi lắp đặt.
Thiết bị này không chỉ giúp ngư dân xác định chính xác ngư trường có nhiều hải sản, nắm bắt được các thông tin về thời tiết nguy hiểm và cách phòng tránh, mà còn giúp cơ quan chức năng cứu hộ kịp thời cho các tàu cá gặp sự cố. Vậy nhưng, sau khi lắp đặt cho các tàu cá, những thiết bị này không phát huy tác dụng. Ông Ngô Đức Tâm- chủ tàu cá ở xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) được lắp đặt thiết bị này- cho biết: “Từ khi lắp đặt đến nay, thiết bị này không khác nào một cục đá, màn hình không hoạt động, không cung cấp được bất cứ thông tin gì”- ông Tâm cho biết.
Trường hợp thiết bị kết nối vệ tinh trên tàu cá của ông Tâm cũng là thực trạng chung của những thiết bị được lắp đặt trên các tàu cá khác ở Thừa Thiên- Huế. Ông Nguyễn Văn Quang- chủ một tàu cá khác ở xã Phú Thuận bức xúc: Sau khi được lắp đặt thiết bị, ngư dân chúng tôi vẫn phải sử dụng những phương tiện lạc hậu để biết thông tin về ngư trường, về thời tiết nguy hiểm trên biển. Nếu gặp rủi ro trong quá trình đánh bắt thì rất nguy vì vẫn không thể phát tín hiệu báo về đất liền nhanh nhất”.
Nhiều ngư dân khác cho biết, trong quá trình đánh bắt trên biển, họ phát hiện tàu lạ xâm phạm lãnh hải nên bấm nút trên thiết bị để báo về đất liền nhưng việc báo tin thất bại do thiết bị không phát huy tác dụng. “Ngoài hỗ trợ ngư dân các thông tin cần thiết, thiết bị này còn đặc biệt có ý nghĩa đối với việc bảo vệ chủ quyền vùng biển, vậy mà…”- một ngư dân lo lắng.
Lỗi tại phần mềm? Ông Đoàn Quốc Việt- Tổ trưởng tổ kỹ thuật của Đài Thông tin duyên hải Huế cho biết, đầu mối tiếp nhận dự án lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh cho tàu cá là Bộ NNPTNT. Tại Thừa Thiên- Huế, có tổng cộng 25 tàu cá được lắp đặt thiết bị trên và đơn vị của ông là nhà thầu đảm nhiệm việc lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị. “Tôi không nắm chính xác nhưng mỗi thiết bị này có trị giá từ 40-50 triệu đồng”- ông Việt cho hay.
Ông Việt thừa nhận tình trạng thiết bị kết nối vệ tinh cho các tàu cá trên địa bàn tỉnh không phát huy tác dụng sau khi lắp đặt. Theo ông Việt, thời gian đầu sau khi lắp đặt, phía nhà cung cấp chưa cung cấp dịch vụ nên thiết bị chưa nhận và phát được thông tin. Khi dịch vụ được cung cấp, do thiết bị đang chạy bằng phiên bản phần mềm cũ nên không phát huy tác dụng. Từ cuối năm 2013, Đài Thông tin duyên hải Huế tiến hành nâng cấp một số thiết bị nhưng chưa mang lại kết quả.
Trao đổi với PV NTNN, ông Nguyễn Quang Vinh Bình- Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: Chi cục đã có văn bản báo cáo Sở NNPTNT tỉnh về tình trạng hoạt động của thiết bị kết nối vệ tinh cho tàu cá trên địa bàn. Theo ông Bình, đơn vị của ông không tham gia thực hiện dự án nên không liên quan đến tình trạng trên. “Việc các thiết bị không phát huy tác dụng là trách nhiệm của ban quản lý dự án, vì họ đã khảo sát và lựa chọn thiết bị”- ông Bình khẳng định.