Ngày 14.2, ông Võ Văn Điềm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam, tỏ ra rất bức xúc trước công văn của Bộ Công Thương. Ông Điềm nói: Bộ Công Thương khẳng định thủy điện vô can, chưa có cơ sở bồi thường cho dân, vậy là phủi trách nhiệm quá. Vì thủy điện cũng làm cho lũ tăng nhanh, nếu không có thủy điện vẫn có lũ, nhưng nó dâng từ từ chứ không ào ạt và quá nhanh như vậy. Còn nói thủy điện giảm cắt lũ là không đúng, thủy điện ở Quảng Nam chưa có tác dụng lớn về giảm lũ cho vùng hạ du.
Lũ lụt năm 2013 gây thiệt hại nặng cho người dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Ông Nguyễn Khắc Xuyên - Bí thư xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc - địa phương chịu ảnh hưởng lũ nghiêm trọng nhất tỉnh Quảng Nam trong các năm qua, phản bác: “Tôi đề nghị cơ quan chức năng cấp trên cần tiếp cận, xác minh và đồng thời gặp dân, nghe dân nói, cần thiết đối chứng với dân, chứ nói vậy không ai chấp nhận được. Đợt lũ gây thiệt hại cho người dân trong vùng vừa qua là do hai mặt, thiên tai, đồng thời cũng do thủy điện. Thủy điện làm thiên tai mất bình thường cộng với xả lũ quá nhanh làm người dân không xử lý kịp, nếu lũ bình thường thì người dân có thể xử lý kịp.
Trao đổi với phóng viên, kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn - nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam cho biết: “Việc giám sát thủy điện xả lũ, lâu nay cũng chưa có cơ quan nào được giao chức năng rõ ràng và chưa có quyền lực để can thiệp vào việc điều hành của các thủy điện. Nên cần phải đưa ra một quy định cụ thể và có người địa phương được giám sát việc xả lũ của tất cả các thủy điện”.
|
Ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho rằng: “Thủy điện có cộng hưởng gây ảnh hưởng, chứ không phải là chỉ do biến đổi khí hậu, thiên tai gây nên. Vì vậy đề nghị thủy điện hỗ trợ một phần cho dân vùng hạ du vì họ quá khó khăn khi bị thiên tai. Ngoài ra, cần phải có cán bộ của địa phương được giám sát việc xả lũ của thủy điện, lúc đó mới biết họ xả đúng hay sai quy trình, để có căn cứ nói họ được”.
Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam gay gắt cho rằng: “Thủy điện xả đúng quy trình là đúng với thủy điện chứ có đúng với dân đâu. Vì sao các thủy điện không chịu tích nước nhẹ nhàng vào mùa mưa mà lại đi tích đầy nước, cho đến khi có mưa lớn đua nhau xả, “nước dập nước, lũ dập lũ”, đồng bằng chìm ngập trong nước và ảnh hưởng đến nông dân vùng hạ du”.
Ông Trần Xuân Vinh - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, quả quyết: “Cần kiểm tra rà soát hết lại quy trình xả lũ, rõ ràng về nguyên tắc ai làm sai người đó phải đền bù và mức độ sai đến đâu thì phải làm rõ. Thời gian tới, văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam sẽ tiếp tục kiến nghị với Bộ Công Thương, với Chính phủ về trách nhiệm của các nhà máy thủy điện trong việc bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng lũ lụt”.