Dân Việt

Các sở quản lý nghệ thuật, biểu diễn vẫn chuyền "quả bóng" trách nhiệm

Lê Tâm 22/03/2014 06:57 GMT+7
Sau 1 năm Nghị định 79 về lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp người mẫu có hiệu lực, đại diện sở VHTTDL các địa phương vẫn loanh quanh chuyền nhau “trái bóng” trách nhiệm ở khâu cấp phép và hậu kiểm.
Cấp phép “cả mớ”

Ngày 21.3, Cục Nghệ thuật biểu diễn- Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị định số 79 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

Tại hội nghị này. ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết, Thanh tra Bộ đã tiến hành kiểm tra tại 10 địa phương trong cả nước và phát hiện khá nhiều tồn tại. Nhiều địa phương có Hội đồng thẩm định yếu, thậm chí nhiều nơi không tổ chức được hội đồng mà chỉ dựa vào tác phẩm đăng ký được phép hát mà duyệt, vì thế nhiều chương trình chất lượng không cao.

Sau 1 năm thực hiện Nghị định 79 vẫn còn nhiều điều cần điều chỉnh trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (ảnh minh họa) .
Sau 1 năm thực hiện Nghị định 79 vẫn còn nhiều điều cần điều chỉnh trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (ảnh minh họa) .

“Có sở VHTTDL cấp phép biểu diễn “cả mớ” gồm một danh sách 360 bài hát và hơn 290 nghệ sĩ cho một đơn vị tổ chức biểu diễn. Như vậy là sai, bởi trong nghị định quy định chỉ cấp giấy phép cho 1 chương trình, chính các nhà tổ chức lợi dụng điều này để có hiện tượng treo băng rôn quảng cáo có nghệ sĩ A nhưng thực tế không có, dẫn đến mâu thuẫn giữa đơn vị tổ chức và người xem” - ông Phúc nói.

Có một thực tế tồn tại là chuyện các sở VHTTDL cấp phép cho chương trình biểu diễn nhưng không tổ chức Hội đồng thẩm định cho chương trình, và trái bóng trách nhiệm được chuyển cho địa phương làm giấy phép tiếp nhận chương trình biểu diễn đó.

Đại diện của Sở VHTTDL Phú Thọ cho biết: “Quy định đơn vị cấp phép phải có Hội đồng thẩm định chương trình là rất khó khả thi, làm sao mà cả một chương trình biểu diễn lớn như vậy với bao nhiêu nghệ sĩ lại tổ chức diễn cho Hội đồng xem được. Thôi thì chúng tôi đành trông chờ vào khâu hậu kiểm của thanh tra”. Đại diện Sở VHTTDL Hà Nội thì yêu cầu: “Chuyện xin giấy phép biểu diễn ở địa phương này nhưng lại biểu diễn ở nơi khác khiến việc quản lý rất khó khăn. Nếu đơn vị cấp phép mà không có khả năng duyệt thì phải có đơn đề nghị nơi tiếp nhận giấy phép duyệt thay”.

Tuy nhiên, dù chuyện có đơn đề nghị đơn vị khác duyệt thay hay không thì đây cũng chính là lỗ hổng của khâu quản lý cấp phép chương trình biểu diễn. Không thể có chuyện một số đơn vị cứ “vô tư” cấp phép cho các nhà tổ chức biểu diễn mà không hề có trách nhiệm với quyết định của mình, việc thẩm định lại… nhờ địa phương khác và trông chờ vào hậu kiểm. Trong khi lực lượng thanh tra quá mỏng, chuyện các sở VHTTDL các địa phương đang buông lỏng đầu vào và dồn trách nhiệm cho hậu kiểm có lẽ là một nguyên nhân dẫn đến những lộn xộn trong khâu tổ chức biểu diễn.

Nóng vụ “Rồng Việt”

Hội nghị sơ kết Nghị định 79 diễn ra ở thời điểm chỉ vài ngày trước đó, TAND Khánh Hòa xử cho Công ty Rồng Việt thắng kiện Cục Nghệ thuật biểu diễn trong vụ rút giấy phép tổ chức cuộc thi Nữ hoàng Biển 2013, cũng khiến đề tài này được nhiều đại biểu quan tâm.

Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Trong Hiến pháp, trong Luật Hành chính, Luật Tổ chức bộ máy đã nêu rõ: Đơn vị nào cấp giấy phép thì đơn vị đó thu hồi giấy phép ấy nếu các đơn vị tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. Khoản 4, Điều 4, Mục 4 của Nghị định 79 cũng nêu rất rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc cấp, thu hồi giấy phép.

Tuy nhiên, có thể nói rằng Hội đồng xét xử của TAND tỉnh Khánh Hòa trong trường hợp này đã cố ý bẻ cong các quy định của pháp luật khi tuyên rằng chúng tôi không có thẩm quyền thu hồi quyết định. Qua tất cả những vấn đề tranh tụng trước tòa thì hầu như các dư luận báo chí theo dõi buổi sáng đều hết sức bất ngờ trước việc tòa tuyên án. Chúng tôi sẽ kháng cáo lên Tòa án Tối cao, rất có thể sẽ kiện quyết định của Tòa án Khánh Hòa”.

Nhà văn Trần Thị Trường - Phó Giám đốc khu vực phía Bắc của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc xin phép đăng đàn để “kêu” về chuyện bản quyền, bà Trường cho biết: “Các nhà tổ chức biểu diễn hiện nay có hàng chục giấy phép đăng ký kinh doanh tổ chức biểu diễn, khi họ đến xin phép chúng tôi, không thoả thuận được tiền bản quyền vì họ đòi nộp theo mức mà chính họ đặt ra chứ không theo biểu giá mà các tác giả ủy quyền cho chúng tôi đại diện thu. Theo quy định là sẽ bị rút giấy phép tổ chức biểu diễn, thì lần sau, họ lại có một công ty mới, một cái tên mới, đến xin cấp phép chương trình khác, lại tiếp tục lẩn tránh nghĩa vụ bản quyền”.

Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn kết luận: “Sau 1 năm thực hiện, Nghị định 79 cho thấy có khá nhiều điểm còn phải điều chỉnh, chỉnh sửa để các quy định của pháp luật bám sát với thực tế cuộc sống”. Ngày 28.3 tới, một hội nghị tương tự sẽ được tổ chức tại TP.HCM để lấy ý kiến của các sở VHTTDL các tỉnh thành phía Nam.

Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: Xử lý nghiêm vụ Hoa hậu Diễm Hương


Ngày 7.3, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ra văn bản không cấp phép biểu diễn cho Hoa hậu Diễm Hương, điều này có đúng luật hay không?


- Việc vi phạm của Hoa hậu Diễm Hương là hết sức nghiêm trọng, cố ý lừa dối các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Cục đã có trong tay những văn bản như giấy đăng ký kết hôn, chấp nhận của tòa khi cô ấy với chồng ra tòa ly hôn, bản thân Diễm Hương cũng có giải trình và nhận trách nhiệm. Vì thế chúng tôi có đầy đủ hồ sơ để khẳng định có vi phạm, việc ngừng cấp phép là hoàn toàn đúng luật bởi trong Nghị định 79 đã có quy định.


Vậy sau quyết định này , Diễm Hương có tiếp tục được đóng phim hay không?


- Cục Nghệ thuật biểu đã có công văn gửi sang Cục Điện ảnh, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị tạm dừng hoạt động đóng phim, tham gia quảng cáo của Hoa hậu Diễm Hương. Chúng tôi cũng đề nghị hai đơn vị này có ý kiến với các công ty, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, quảng cáo về trường hợp của Diễm Hương vì đây là thẩm quyền của họ.


Có thông tin cho rằng hoa hậu sẽ bị tước danh hiệu vì sự gian dối này, chuyện đó liệu có xảy ra không?


- Trong quy định của pháp luật, người đẹp sau khi đã đạt danh hiệu nếu vi phạm quy định thì đơn vị tổ chức phải tước danh hiệu. Cục cũng đã có ý kiến với đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt để có văn bản báo cáo và đưa ra phương án xin ý kiến cơ quan quản lý nhà nước để tước danh hiệu. Sau khi Ban tổ chức đưa ra những vấn đề đó chúng tôi mới xem xét. Chúng tôi sẽ tiếp tục xử lý nghiêm những sai phạm của Hoa hậu Diễm Hương.
Xin cảm ơn ông!


Hà Thu (thực hiện)