Dân Việt

Tốt nghiệp THPT 4 môn: Nhiều lo ngại về cách thi

Nguyễn Thiêm - Quốc Hải 26/02/2014 07:27 GMT+7
Tuy giảm được gánh nặng thi cử cho học sinh nhưng lãnh đạo nhiều trường “lo ngay ngáy” về các biện pháp kỹ thuật chuẩn bị cho kỳ thi nhiều đổi mới này.
Buổi thi sẽ rất nặng nề

Theo phương án của Bộ GDĐT, sẽ có 2 môn thi bắt buộc là toán, văn và 6 môn thi tự chọn. Học sinh thi 4 môn trong 2 ngày nên sẽ phải phân ca thi. Nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại, việc thi theo ca kíp nếu không sắp xếp ổn thỏa sẽ dẫn đến tình trạng quá tải cho học sinh.

Cụ thể, nếu môn thi đầu tiên là tự luận, thời gian thi 150 phút (như năm trước) bắt đầu từ 7 giờ 30 thì kết thúc vào khoảng 10 giờ trưa, sau khi nghỉ giải lao 75 phút, nếu thí sinh thi ngay ca thứ 2 sẽ phải bắt đầu vào lúc 11 giờ 30 trưa là không hợp lý.

Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại TP.HCM.
Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại TP.HCM.

GS Đỗ Ngọc Thống – thành viên Ban soạn thảo đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông nhận định: “Sẽ có khả năng một thí sinh phải thi 3 ca liên tục trong 1 ngày nếu các môn tự chọn của thí sinh này rơi vào cùng một ngày thi. Như vậy là khá mệt mỏi với các em, nhưng các em phải làm quen dần với phương pháp thi hiện đại, bởi sau này các trường ĐH, CĐ cũng sẽ tiến tới học theo tín chỉ và việc thi theo ca là không tránh khỏi”.

Cô Nguyễn Thị Hương – giáo viên Trường THPT bán công Tiền Hải (Tiền Hải, Thái Bình) thì chia sẻ: “Học sinh và giáo viên đã “hồi hộp” từ rất lâu sau khi có tin Bộ dự kiến sẽ giảm môn thi và cho tự chọn. Chắc chắn các em sẽ chọn môn thi tốt nghiệp theo khối thi ĐH”.

Nói về vấn đề chia ca kíp khi thi, cô Nguyễn Thị Hương cũng cho rằng, việc thi theo ca kíp sẽ khiến cho nhiều học sinh phải ở lại trường buổi trưa hoặc có thời gian chờ đợi giữa các ca lệch nhau. Các trường phải có biện pháp bố trí phòng chờ, đảm bảo an toàn về sức khỏe cho học sinh. Ngoài ra, việc các em ở lại trường có thể ảnh hưởng đến trật tự trường thi, điều này cũng rất cần phải cân nhắc.

Thêm lo an ninh phòng thi

Với cô Nguyễn Ngọc Mỹ (Trường THPT Xuân Lộc, Đồng Nai) thì lại lo lắng về việc bố trí giám thị coi thi: “Do học sinh có 2 môn thi tự chọn nên số lượng đăng ký sẽ không phân bố đều, dẫn đến tình trạng ở một hội đồng thi ứng với một ca thi nào đó sẽ thừa nhiều phòng thi và giám thị coi thi. Việc giám sát giám thị coi thi sẽ hết sức khó khăn bởi trong thời gian thi, những cán bộ này vẫn phải ở trong hội đồng thi thì liệu có đảm bảo an toàn. Còn nếu cho họ ra ngoài thì lỡ như xảy ra lộ đề, ai sẽ chịu trách nhiệm?”.

Bộ GDĐT cho biết, trong thời gian gần nhất Bộ sẽ có thông tư hướng dẫn về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp năm 2014. Trong đó, sẽ có hướng dẫn cụ thể về các phương pháp kỹ thuật trong việc tổ chức thi.

Ông Nguyễn Văn Hồi – Hiệu trưởng Trường THPT Quan Hóa, Thanh Hóa thì lo ngại sẽ xảy ra tình trạng lượng thí sinh phân bố không đồng đều ở các môn thi, ca thi. Vì vậy, phải sắp xếp sao cho số phòng thi, giám thị coi thi không thừa không thiếu.

Thầy Đỗ Tấn Ngọc – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) thì bày tỏ: “Hiện lãnh đạo các trường đang rất lo lắng cho việc bố trí phòng thi ở các buổi thi, vì có thể có những buổi thi chỉ có vài em (thi khối C) và có buổi thi quá tải (khối A). Chúng tôi rất mong mỏi Bộ GDĐT ổn định căn cơ, lâu dài phương án thi tốt nghiệp THPT để nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh đỡ vất vả, lo lắng, phập phồng”.

Liên quan tới cách tính điểm tốt nghiệp, hiệu trưởng một trường THPT công lập tại TP.HCM lại tỏ ra lo lắng: “Việc dùng kết quả điểm các môn học cộng vào điểm thi tốt nghiệp sẽ hình thành tiêu cực. Tôi nói điều này là vì trong giai đoạn hiện nay, vẫn có nhiều trường, nhất là những trường ngoài công lập hoặc ở vùng sâu, vùng xa vì thành tích hoặc để “lấy tiếng” cho thương hiệu “tốt nghiệp 100%” sẽ chỉ đạo giáo viên của mình chỉnh điểm, nâng điểm làm sao để có lợi cho học sinh mình. Ai dám đảm bảo vấn đề này không xảy ra?”