Dân Việt

Không “cắt” được đói, đừng mơ thoát nghèo

Minh Nguyệt -Kiều Thiện 17/03/2014 07:03 GMT+7
Sau khi NTNN số 64 có bài “Đừng để người dân quen với… đói giáp hạt”, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến trăn trở từ phía lãnh đạo các địa phương về vấn đề này.
Nông nghiệp đột phá, sao dân vẫn đói?

Nhìn từ góc độ quản lý, ông Phạm Ngọc Dũng – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hà Giang thừa nhận: “Năm nào Hà Giang cũng là địa phương phải xin gạo cứu đói giáp hạt cao nhất, nhì cả nước”.

Theo phân tích của ông Dũng, việc “triệt” cái đói là rất khó, bởi điều kiện tự nhiên không thuận lợi, tỉnh có tới 4 huyện vùng cao núi đá, sản xuất lương thực gặp nhiều khó khăn. “Thời gian qua UBND tỉnh Hà Giang và các đơn vị có liên quan cũng đã tính đến biện pháp di dời dân ở vùng khó khăn xuống núi để giúp người dân an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, không phải dự án di dân nào cũng được thực hiện và thực hiện thành công”- ông Dũng bày tỏ.

Ông Đỗ Tấn Sơn – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Giang cho biết, bình quân lương thực của người dân ở Hà Giang đạt 480kg/người. Tuy số liệu lạc quan như vậy nhưng ông Đỗ Tấn Sơn vẫn không thể trả lời cho câu hỏi tại sao tỷ lệ hộ đói toàn tỉnh vẫn ở mức cao. Chỉ tính riêng huyện Đồng Văn, báo cáo mới nhất trong năm 2014 này cho thấy đã có 1.011 hộ với 4.846 khẩu bị đói. Huyện cần gần 148 tấn gạo để cứu đói trong 3 tháng giáp hạt.

Tại Quảng Lâm - xã nghèo nhất huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), đã có nhiều nỗ lực của địa phương trong việc hỗ trợ người dân thoát đói giáp hạt. Ghé thăm nhà bà Ngô Thị Rắc (thôn Nà Luông) - một hộ nghèo, đói kinh niên nhiều năm qua của xã, chúng tôi thấy trong ngôi nhà đơn sơ, đã có 2 con bò và 1 đàn lợn Mán, tài sản đáng kể của bà. Bà Rắc nói: “Nhà nghèo lắm, chẳng có mảnh ruộng nào đâu. Năm nào cũng đói vài tháng”.

3 năm trước gia đình bà có vay của Ngân hàng Chính sách xã hội 3 triệu đồng để mua 1 con bê, giờ nó đã lớn và đẻ được 1 con bò. Hai con bò, với 1 đàn lợn Mán đang là hy vọng để gia đình bà thoát nghèo. Bà Rắc chia sẻ: “Thôn mình cũng có tới 20 hộ được cấp gạo đấy, trong đó có nhà mình. Cứ có bò, có lợn nuôi thì đỡ đói, nhưng không phải ai cũng được vay tiền, vay ngô để nuôi. Đất không có thì cũng không có gì cho lợn, bò ăn. Nếu có thì chắc cũng bớt hộ đói”.

Cần lắm những “chiến lược nông nghiệp” hợp lý

Tại Sơn La, đối với một số xã thực hiện phát triển mạnh mẽ cây cao su của các huyện: Quỳnh Nhai, Mường La, Mộc Châu, vấn đề đất sản xuất đang là bài toán nan giải. Bởi những diện tích đất nương tốt nhất, thuận lợi cho sản xuất thì đã góp vào trồng cây cao su vì họ chỉ lấy đất bằng, đất dốc ít và phải liền vùng, liền khoảnh.

Anh Bạc Cầm Văn (xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai) bày tỏ: “Cây cao su khi đã khép tán thì không được phép trồng xen cây lương thực nữa. Mỗi hộ có góp tới cả ha đất nương thì cũng chỉ được 1 công nhân vào làm cao su, lương rất thấp, còn những nhân khẩu khác trong hộ đó thì rất khó có việc làm và thu nhập bởi đất sản xuất còn lại rất ít, chủ yếu là đất nương dốc, bạc màu, chỉ trồng được 1 vụ cây lương thực với năng suất thấp nên đói thôi”. Anh Văn mong mỏi việc quy hoạch nông nghiệp nên tính tới đất sản xuất lương thực, vì nông dân ở đây chưa có nguồn thu, nếu không trồng được cây lương thực là đói.

Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định có 6 nguyên nhân chính dẫn tới đói kinh niên trong các mùa giáp hạt gồm: Thiếu kinh nghiệm sản xuất; thiếu phương tiện, công cụ sản xuất; thiếu đất; thiếu lao động; thiếu sự hướng dẫn tư vấn cần thiết của cán bộ, chính quyền địa phương để có mùa vụ hợp lý; do thiên tai, địch họa. Trong 6 nguyên nhân ấy, có thể thấy nguyên nhân thứ 3 và nguyên nhân thứ 5 là nguyên nhân chính, nếu giải quyết được hai vấn đề này ta hoàn toàn có thể giúp bà con xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Tại Cao Bằng, cứ tới tháng 3 là tỉnh lại chỉ đạo rà soát để thống kê số hộ cần cứu đói. Ông Hà Minh Trần – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Cao Bằng chia sẻ:

“Nhiều lần trực tiếp vào khảo sát trong thôn, bản thấy còn tận 4-5 tháng nữa mới tới vụ hạt mà một số hộ chỉ còn một đống ngô bằng con bò. Nhà có tận 7- 8 người, nên chắc dè sẻn lắm họ cũng chỉ ăn trong 1-2 tháng là hết. Cứ nghĩ đến đấy là tôi lại thấy đắng lòng”.

Là người làm công tác xóa đói, ông Trần rất trăn trở: “Nếu như đói do mất mùa, thiên tai hay lũ lụt ta không chủ động để ứng phó được, thì cái đói kinh niên hay còn gọi là đói giáp hạt, đói thường niên, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động được”.

Theo ông Trần, hiện nay chính sách phát triển nông nghiệp ở vùng đói chưa rõ ràng, trong khi cứu đói của chúng ta vẫn còn quá chung chung. “Trên thực tế, có rất nhiều hộ không có đất sản xuất. Số hộ này năm nào cũng phải cứu đói. Chúng ta không thể cứ năm nào cũng mang gạo đến cho họ, mà cần phải có phương pháp hỗ trợ trao “cần câu” để họ tự câu cá”- ông Trần nói.

Trước đây nhà tôi lúc nào cũng thiếu đói ít nhất 1-2 tháng. Có 1ha đất đồi nhưng chỉ thu được 7-8 tạ ngô/năm. Từ ngày được Nhà nước hỗ trợ giống ngô, cán bộ dạy cách trồng ngô mới thì 1ha thu được gần 2 tấn ngô, hết đói rồi”.
Ông Mùa Mí Kỷ (thôn Lũng B, Tả Lủng, Mèo Vạc, Hà Giang)

Trong số 676 tấn gạo của Chính phủ hỗ trợ cho tỉnh dịp Tết Giáp Ngọ, chính quyền đã phân bổ 232 tấn đến tay hộ nghèo vào trước tết; 444 tấn gạo còn lại, tỉnh chuyển tiếp đến dân vào mùa giáp hạt. Các hộ đói giáp hạt thường rơi vào đồng bào miền núi nên phải dự phòng gạo cứu trợ”.
Ông Trần Quang Nhất- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên

“Hướng tới giảm nghèo theo địa chỉ”


“Một số vùng địa hình phức tạp, thời tiết bất lợi nên người dân thiếu đói là chuyện có thể hiểu được. Tuy nhiên, nếu số hộ cứu đói giáp hạt nhiều, năm sau cao hơn năm trước thì rõ ràng không bình thường, cần phải có sự kiểm tra, đánh giá lại”.


Đó là nhận định của ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Theo ông Hùng, nhìn chung công tác xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam được đánh giá tốt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, chỉ trong 3 năm (2011 - 2013) tỷ lệ này đã giảm từ 14% xuống còn 7,6% (giảm tới 50%). Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những đánh giá cho rằng việc giảm nghèo của chúng ta chưa thực bền vững bởi cứ 3 hộ thoát nghèo thì lại có 1 hộ tái nghèo.


“Hiện tại, chưa có bất cứ một công bố chính xác nào về tỷ lệ hộ đói trong hộ nghèo, tuy nhiên quá trình làm việc với các địa phương tôi thấy rõ ràng tỷ lệ này rất cao, ước chừng không dưới 50%”- ông Hùng nói. Trong một buổi làm việc gần đây của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội với Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NNPTNT), Cục này cho biết trong cả nước có tới hơn 1 triệu hộ dân đang thiếu hoặc không có đất sản xuất. Thiếu đất sản xuất cộng với nhận thức hạn chế, không được tư vấn khiến họ cứ mãi sống trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo.


Theo ông Hùng, hiện chúng ta tiếp cận giảm nghèo đa chiều, hướng đến việc giảm nghèo theo địa chỉ (tức giảm nghèo theo nguyên nhân nghèo). Cùng với đó là phải làm tốt hơn công tác cứu đói. Nghĩa là, không thể cứu đói dàn trải. Việc cứu đói cần phải được phân tách từng đối tượng cụ thể. Với đối tượng bảo trợ thì cứu đói một kiểu, người đói giáp hạt cứu đói một kiểu khác, đối tượng không có đất sản xuất thiếu đói cũng khác.


“Không thể có chuyện, Nhà nước cứ cấp gạo cứu đói từ năm này qua năm khác, từ đời cha truyền sang đời con được”, ông Hùng nói. Tâm tư của ông Hùng, có lẽ cũng rất cần được chia sẻ với những người làm ra chính sách xóa đói, giảm nghèo.
Minh Nguyệt