Vụ án tạm thời khép lại nếu như bà Phụng không kháng án, nhưng câu chuyện về những đứa trẻ bị hành hạ bắt đầu mở ra. Có hàng vạn lao động nghèo vùng nông thôn vào TP.HCM và các tỉnh công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu để làm công nhân và các nghề tự do.
Giấc mơ đổi đời ở các nhà máy đã tan vỡ từ lâu, nhưng họ không có con đường nào khác để kiếm sống, nên phải tiếp tục gửi thân vào các nhà máy, khu công nghiệp. Thu nhập của công nhân hiện nay thuộc vào loại "chết đói", họ gói ghém cuộc sống của bản thân và gia đình chỉ trong vài triệu đồng/tháng. Đồng tiền eo hẹp, họ không thể gửi con vào các nhà trẻ có chất lượng, các bảo mẫu tư nhân là lựa chọn phù hợp nhất.
Giữ một đứa trẻ với mức thù lao 300.000 đồng/tháng, kèm theo ăn trưa, đó là một cái giá thê thảm. Trên dưới 10.000 đồng một ngày công để chăm sóc một đứa trẻ, thật khó có ai đủ tình thương và trách nhiệm để làm việc hết mình, trừ các cơ sở từ thiện. Người nhận giữ trẻ vì quá nghèo nên mới bỏ công kiếm 10.000 đồng một ngày, còn người gửi trẻ thì quá cùng đường nên đưa con vào nơi rẻ mạt nhất.
Chưa ai đứng ra thống kê có bao nhiêu đứa trẻ con nhà nghèo và con công nhân ở các khu công nghiệp đi vào nhà trẻ loại này, nhưng chắc chắc hầu hết công nhân đều gửi con cho bảo mẫu tư nhân giá rẻ. Không ai biết có bao nhiêu bảo mẫu không có kiến thức, thiếu hiểu biết pháp luật như bà Phụng, cho nên không thể biết được bao nhiều đứa trẻ bị hành xác như bé Ngân. Trường hợp bảo mẫu Phụng bị phát hiện là hết sức tình cờ, nếu như không có đoạn clip đó thì bé Ngân vẫn đang bị hành hạ từng ngày.
Tuyên xử bảo mẫu Phụng là công việc của pháp luật, nhưng cũng từ đó để thấy có nhiều việc mà chính quyền phải làm. Những khu vực kinh tế trọng điểm, xây dựng khu công nghiệp dày đặc, kêu gọi đầu tư và thu hút hàng vạn lao động nhưng chưa quan tâm đến đời sống của người lao động một cách thiết thực. Chăm lo cho người lao động không chỉ là thực hiện đầy đủ các quy định của Bộ luật Lao động, mà phải tính đến một chỗ cho đứa trẻ là con cái họ.
Chân Tâm