Tàu vừa cập cảng Đông Hải (Hải Phòng), Thượng uý Lê Văn Tâm - Thuyền trưởng tàu CSB 2008 của Hải đội 101, Cảnh sát biển VN, chia sẻ: "Sau 1 tháng làm nhiệm vụ tuần tra trên biển, chúng tôi mới vào bờ, nhưng nếu có nhiệm vụ phải đi thì chỉ cần 30 phút làm công tác chuẩn bị là lại lên đường. Nghề gác biển là vậy.
Chặn vòi buôn lậu
Là một trong những người đầu tiên của lực lượng Cảnh sát biển VN, Thượng uý Nguyễn Văn Tâm, cho biết: “Đến bây giờ, tôi không nhớ nổi mình đã chỉ huy tàu tuần tra tham gia vây bắt, ngăn chặn bao nhiêu chuyến buôn lậu. Tuy nhiên, vụ ngăn chặn một tàu buôn lậu nội tạng động vật rất lớn vào nước ta năm 2010 thì tôi không thể quên”.
Tàu Cảnh sát biển đang tiến hành công tác kiểm tra tàu vi phạm trên biển. |
Anh Tâm kể: Hôm đó là ngày 30-9 - 2010, chúng tôi đang tuần tra tại khu vực Đông Nam đảo Cô Tô thì phát hiện tàu Hong Xieng, quốc tịch Hongkong (Trung Quốc) có dấu hiệu khả nghi. Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tuần tra, anh Tâm đã chỉ huy tàu của mình tiếp cận và tiến hành kiểm tra. Lúc đó trên tàu có 6 người nước ngoài đang thả neo để chuyển hàng sang các tàu nhỏ rồi đưa vào nội địa tiêu thụ.
Qua kiểm tra, Cảnh sát biển phát hiện toàn bộ số hàng hóa của tàu này đều là nội tạng động vật với tổng trọng lượng 475 tấn, trị giá trên 20 tỷ đồng. Đây là mặt hàng nằm trong danh mục cấm nhập khẩu vào VN nên lúc mới lên kiểm tra chủ tàu đã có ý định hối lộ Cảnh sát biển. Tuy nhiên, các anh đã kiên quyết từ chối và bắt giữ tàu vi phạm, bàn giao cho các cơ quan chức năng xử lý.
Không chỉ ngăn chặn những vụ buôn lậu từ nước ngoài vào VN, lực lượng Cảnh sát biển còn đóng vai trò quan trọng trong công tác chống buôn lậu quặng ra nước ngoài. Chỉ tính riêng năm 2010, các tàu tuần tra của Cảnh sát biển đã bắt giữ hàng nghìn tấn quặng đang được vận chuyển ra nước ngoài tiêu thụ bằng đường biển.
Bảo vệ nguồn hải sản
Đối với lực lượng Cảnh sát biển, ngoài việc chống buôn lậu, họ còn một nhiệm vụ quan trọng khác là bảo vệ nguồn tài nguyên hải sản. Thượng uý Nguyễn Văn Hùng - Chính trị viên tàu CSB 2007 cho biết: Hầu như chuyến tuần tra nào, chúng tôi cũng gặp, xua đuổi, bắt giữ tàu đánh cá trái phép của ngư dân nước ngoài.
Khi phát hiện tàu tuần tra của Cảnh sát biển VN, các tàu đánh cá của ngư dân nước ngoài thường đồng loạt chạy trốn hoặc liều lĩnh tấn công lại. Họ hạ hệ thống càng dùng để kéo lưới, cà siết vào tàu tuần tra hoặc chặt lưới vứt lại phía sau cho mắc vào chân vịt của tàu đang truy đuổi. Một số đối tượng còn lợi dụng mũi tàu cá được bọc sắt nhọn, đã quay ngang mũi để cho tàu truy đuổi đâm vào. Tuy nhiên, với tinh thần mưu trí, dũng cảm, không sợ khó khăn, các chiến sĩ Cảnh sát biển vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thượng úy Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm, do ngôn ngữ bất đồng nên các ngư dân nước ngoài khi bị bắt thường chống đối, bất hợp tác bằng cách bỏ lại tàu, ôm phao nhảy xuống biển, không ký vào biên bản vi phạm, có nhiều tàu còn tổ chức tuyệt thực tập thể... Lúc đó các chiến sĩ Cảnh sát biển phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, yêu cầu họ điểm chỉ vào hải đồ, rồi mới xử lý các bước tiếp theo.
Khánh Gia