Dọc các sườn núi cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), chị em các dân tộc Mông, Dao, Tày (chủ yếu là người Mông) những ngày này rủ nhau gùi váy áo đến giặt tại "hồ treo" để chuẩn bị diện Tết.
Những ngày sát Tết, các "hồ treo" trên núi dọc 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang lại tấp nập cảnh giặt quần áo của người dân để chuẩn bị diện Tết.
Nơi đây đất chủ yếu là đá, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt, nhất là vào thời kỳ mùa khô, là một nỗi ám ảnh của người dân các dân tộc qua nhiều thế hệ. Trong mùa khô, người dân nơi đây chỉ tắm giặt 1 đến 2 lần trong một tháng, thậm chí vài tháng một lần.
Việc thiếu nước sinh hoạt trầm trọng khiến bọn trẻ phải chọn những ngày nắng ấm xuống suối hoặc dòng sông Nho Quế để tắm và tự giặt quần áo cho mình.
Có không ít những "hồ treo" chứa nước lưng chừng núi được người dân đổ về giặt giũ.
Nguồn nước ở những hồ chứa nước dọc đỉnh Mã Pì Lèng này khá ô nhiễm vì chỉ chảy từ khe núi xuống và từ các cơn mưa.
Nguồn nước không được thay lọc nên cực kỳ ô nhiễm, tỉ lệ kiềm từ xà phòng khá nặng. Tuy nhiên người dân nơi đây vẫn phải dùng.
Chị Giàng Thị Chưởng cùng cô bạn hàng xóm nhà ở sườn đỉnh Mã Pì Lèng đi bộ hơn 2km đường núi tới hồ treo giặt váy áo.
Những ngày cuối năm là dịp để chị em các dân tộc, chủ yếu là người Mông mang váy áo, khăn, chăn màn đi giặt để chuẩn bị diện Tết.
Thời kỳ khô hạn từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau khiến cho các bể chứa độc hại này vẫn là cứu cánh cho người dân quanh khu vực.
Không chỉ có chị em mà những người đàn ông đảm đang cũng giúp vợ làm công việc gia đình này.
Váy áo giặt xong được phơi ngay trên các mỏm đá cạnh các hồ chứa nước trên vách núi.
Sau khi quần áo đã khô, chị em lại gùi quần áo men theo các sườn núi dốc trở về nhà tất bật chuẩn bị cho ngày Tết sắp đến.