- Nếu nói tới chuyện vì sao tôi lại trở thành nghệ sĩ hài
thì có lẽ không thể không nhắc tới chữ “duyên” được. Ngày xưa nhà nghèo, đông
anh em, tôi từng vào đời với nghề nghiệp bán mía ghim ở ngã tư Dầu Giây (Đồng
Nai). Rồi lớn hơn, tôi đi thi cuộc thi Giọng hát hay thành phố Nha Trang và
cũng được tổ đãi sau đó nên được giải Nhì, từ đó mới được nhận vào đoàn ca múa
nhạc Ponaga (Phú Khánh).
Hồi đó công việc của tôi lu bu lắm, từ biên đạo múa, múa minh họa, diễn tấu hài cho đến MC, hát lót, cái gì tôi cũng chơi tuốt, thành ra mình mới hình thành được khả năng diễn xuất trên sân khấu từ đó. Sau này tôi qua Mỹ, tôi làm MC đám cưới, một lần tình cờ, ca sĩ Trizzie Phương Trinh và ca sĩ Thanh Tuyền thấy tôi làm MC cũng có duyên, nên mới kéo tôi về California để tham gia trình diễn trong nhiều đại nhạc hội. Từ đó mới có Hoài Linh chuyên chọc cười cho khán giả bây giờ đó chớ.
Khán giả phục anh nhất ở tài bắt chước giọng nói của tất cả mọi vùng miền, anh có bí quyết gì không mà có được tài này?
- Lại cũng phải một lần nữa nói đến chữ “duyên”. Gia đình tôi từng có một thời kỳ đi xây dựng vùng kinh tế mới, sống ở một nơi tập trung dân tứ xứ Bắc- Trung - Nam, ở đây có đủ mọi giọng nói. Tôi đi học học với thầy cô ba miền, chơi với bạn bè ba miền, mình cứ lắng nghe mọi người nói, ghi nhớ được âm giọng của họ, phân biệt được sự khác nhau của giọng nói từng vùng, rồi cứ thế nói theo.
Mà cái này cũng phải luyện tập đó nghe, tôi đi đâu thấy ai nói giọng nào là tôi trò chuyện luôn với họ bằng giọng đó, được rất nhiều người nhận làm đồng hương rồi.
Từ hải ngoại về nước vài năm nay nhưng Hoài Linh đã được đồng nghiệp phong là “ông vua phim tết” vì cứ phim nào có anh tham gia là phim đó đắt khách ầm ầm. Anh có thể nói đôi chút về bộ phim tết năm nay của anh?
- Chắc cũng nhờ khán giả thương mến và muốn đầu năm cười nhiều xả xui rước cái may mắn về nhà nên họ thích xem Hoài Linh diễn trò thôi, chứ tôi đâu phải là diễn viên điện ảnh có tài năng gì đặc biệt đâu (cười). Năm nay tôi chỉ đóng một phim thôi, là phim “Năm sau con lại về” của đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu. Tôi vào vai Sáu xe ôm là người hàng xóm tốt bụng đã tham gia bưng bít kế hoạch “giả trúng số” cho vợ chồng ông bà Lương để có gia cảnh tươm tất đón con trai đưa người yêu về ra mắt. Tôi là đạo diễn cho vở kịch của hai ông bà đó, nhưng cũng chính sự vụng về của tôi lại làm lộ hết mọi chuyện bí mật của gia đình, thành ra họ lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười. Nhưng nói chung đó là một câu chuyện rất nhân văn, khán giả xem sẽ cười, cười xong họ sẽ phải suy nghĩ về những đạo lý sống ở đời.
Nhiều người nói Hoài Linh dường như đói ăn hay sao đó nên thân hình gầy gò như con cá mắm, có khán giả còn lo anh gầy quá sẽ bị bệnh không diễn cho họ xem được nữa?
- Trời ơi, ai kêu tôi con mắm tôi còn mừng hết biết đó nghe. Vì tôi không thích mập, lúc nào tôi cũng ép cân khoảng 52 ký là vừa, tôi ưa vậy đó. Tại vì hình ảnh của tôi đã gắn với cái dáng gầy gò này rồi, tôi thấy vô cùng thoải mái và tự tin về ngoại hình của mình, chả có gì phải băn khoăn lo lắng. Trông gầy gò vậy thôi nhưng tôi không ốm yếu đâu, đi diễn, đi quay phim, chạy sô tụ điểm này nọ tôi vẫn làm tuốt luốt chả kém gì ai nên khán giả yêu mến tôi đừng lo lắng quá. Tôi hay vào vai ông già, bà già, phụ nữ nên tôi phải giữ “phom” cho chuẩn, mập lên là xấu ngay, mà tôi lúc nào cũng muốn hình ảnh vai diễn của mình phải thật đẹp trong mắt khán giả.
Hình như tần suất các vai giả gái, giả bà già của Hoài Linh trên sân khấu hơi nhiều, phải chăng anh thích dạng vai này?
Tôi nghĩ là nghệ sĩ thì vai diễn nào với mình cũng là thử thách hết, tôi coi vai đóng làm phụ nữ trẻ hay già đều là thử thách trong nghề mà mình phải chinh phục và vượt qua. Với tôi cũng không có giới hạn nào trong nghệ thuật hết, vai diễn nào mình đã diễn thì phải thích như nhau nhưng tôi đặc biệt xúc động khi đóng những vai đứa trẻ nghèo bán hàng rong đầu đường xó chợ hay người buôn gánh bán bưng ở các chợ búa hoặc bến xe, công viên. Bởi những vai đó gợi cho tôi nhớ đến ngày xưa lúc gia đình nghèo khó, có thời gian đi bán hàng rong ở các bến xe, nhờ vậy sau này tôi vận dụng được những trải nghiệm sống ấy vào các vai diễn.
Tết đến anh thường làm gì ngoài những lúc chạy sô đi diễn? Những lúc không trên sân khấu, người ta thường bắt gặp một Hoài Linh hơi lặng lẽ, có phần khép kín?
- Tết nào mọi người sum họp gia đình vui vẻ hạnh phúc bên
nhau thì nghệ sĩ chúng tôi lại tất tả ngược xuôi phục vụ nhu cầu đi xem của mọi
người, âu cũng là cái nghiệp. Bởi thế anh em nghệ sĩ đều coi nhau như một gia
đình, có gì thì chia sẻ buồn vui cùng nhau.
Trên sân khấu tôi là người của vai diễn, tôi khóc cười với vai diễn bằng cảm nhận và trải nghiệm của mình, nhưng ngoài đời, tôi cũng là một con người bình thường với những hạnh phúc, buồn vui như tất cả mọi người. Lúc nào cũng cười cợt thì làm sao mà chịu nổi, phải khác đi thì mới có sự cân bằng chứ.
Xin cảm ơn anh!