Cấp phép xây nhà tạm để chờ… đập bỏTheo tìm hiểu của phóng viên, Nghị định số 64/20012 do Chính phủ ban hành ngày 4.9.2012 và Thông tư số 10/2012/TT-BXD do Bộ Xây dựng ban hành ngày 20.12.2012 có quy định, GPXD “tạm” chỉ được cấp cho những công trình nằm trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch điểm dân cư nông thôn (quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới), được cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chủ đầu tư phải có cam kết tự phá dỡ công trình khi thời hạn tồn tại của công trình ghi trong GPXD tạm hết hạn cũng như không yêu cầu bồi thường đối với phần công trình phát sinh sau khi quy hoạch được công bố.
Khu vực một số nhà dân được cấp giấy phép xây dựng tạm.
Vậy nhưng, các lô đất tại Dự án đất nền Phú Chánh A và Phú Chánh B, thuộc phường Hòa Phú, “thành phố mới” Bình Dương thuộc chủ đầu tư là Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) – công ty “con” của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – TNHH MTV (Becmex IDC) - dù không thuộc quy hoạch điểm dân cư nông thôn, hay quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới nhưng đã được nhiều người dân mua lại và xây dựng kiên cố.
Dù chỉ có “hợp đồng nguyên tắc mua bán chuyển nhượng bất động sản” do Công ty TDC lập, nhưng các hộ dân này đã được UBND TP.Thủ Dầu Một cấp GPXD “tạm” trái quy định pháp luật.
Đơn cử là như trường hợp bà Nguyễn Thị Miễn, được cấp GPXD nhà 2 tầng với chiều cao công trình 9,8m, diện tích xây dựng 146m
2 bằng bê tông cốt thép và thời hạn tồn tại là 18 tháng, sau đó phải tự tháo dỡ. Bà Đặng Thị Kim Tân và ông Nguyễn Hữu Hùng cũng được cấp GPXD tạm cho công trình kiên cố. Ước tính khu vực này có cả trăm nền đất được cấp GPXD tạm trái quy định pháp luật, núp dưới hình thức chờ đập bỏ!
Thành phố đổ lỗi cho tỉnhTrả lời phóng viên, ông Trần Văn Lợi – Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một giải thích, việc cấp GPXD tạm như vậy là do chỉ đạo của UBND tỉnh và thành phố chỉ làm theo. Theo đó, việc cấp GPXD tạm cho dự án phân lô bán nền của Công ty TDC xuất phát từ chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương - thể hiện tại Thông báo số 72/TB-UBND (do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung ký và ban hành ngày 15.4.2013).
Thông báo này nêu rõ: “Với việc cấp phép xây dựng công trình cho chủ đầu tư thứ cấp trong Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị Bình Dương chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) mà chỉ có hợp đồng nguyên tắc với Becamex IDC (chủ đầu tư cấp 1): Để giải quyết vướng mắc này…, đồng ý cho phép Sở Xây dựng được ký GPXD tạm. Đến khi chủ đầu tư cung cấp được giấy chứng nhận QSDĐ thì Sở Xây dựng cấp GPXD chính thức. Đối với các công trình đã khởi công xây dựng, nhưng chưa cấp GPXD, Sở Xây dựng tạo điều kiện cấp GPXD tạm để nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ”…
Để rộng đường dư luận, những ngày qua phóng viên NTNN đã nhiều lần liên lạc với ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cả qua điện thoại và nhắn tin, nhưng đều không nhận được hồi âm từ ông Cung.
|
Đối với các trường hợp xây dựng trong khu tái định cư, thuộc dự án đất thương mại phân lô bán nền mà Công ty TDC chuyển nhượng cho các hộ dân chưa có giấy chứng nhận QSDĐ, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo “giao UBND TP.Thủ Dầu Một cấp phép tạm cho dân. Đến khi chủ đầu tư cung cấp được giấy chứng nhận QSDĐ thì cấp lại GPXD chính thức”.
Theo luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư TP.HCM): Việc UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND TP.Thủ Dầu Một cấp GPXD “tạm” cho các công trình nói trên là trái quy định pháp luật, cụ thể ở đây là Luật Đất đai, Luật Công chứng.
“Theo Nghị định 64/2012, Thông tư 10/2012 của Bộ Xây dựng và Quyết định 14/2013 ngày 16.5.2013 của UBND tỉnh Bình Dương, hồ sơ xin cấp GPXD “tạm” bắt buộc phải có bản sao được công chứng hoặc chứng thực một trong những giấy tờ về QSDĐ theo quy định pháp luật. Việc UBND tỉnh Bình Dương cho phép thay thế giấy chứng nhận QSDĐ bằng hợp đồng nguyên tắc là sai” - luật sư Đức nhận định.
Việc chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo trái quy định khiến người dân lãnh đủ. Một số người dân bức xúc cho biết, họ được cấp GPXD tạm nhưng theo quy định thì trong thời hạn từ 18-21 tháng phải đập bỏ công trình. Dù biết rõ việc có GPXD tạm chỉ là tạm thời nhưng vì bức xúc về nhà ở, mua đất đã lâu nhưng không có chứng nhận chủ quyền mà chỉ có hợp đồng nguyên tắc mua bán, nhiều người dân đành phải chấp nhận để chờ đợi GPXD chính thức như lời hứa của ông chủ tịch sẽ cấp cho dân nếu người dân bổ sung giấy chứng nhận QSDĐ.
Nếu không có GPXD chính thức, người dân có thể phải đập bỏ nhà ở. Đây là điều vô cùng rủi ro mà phần thiệt thòi người dân sẽ phải gánh chịu.