Dân Việt

Chung tay dọn dẹp sau lũ dữ

Tiến Dũng - Mai Vân 22/10/2013 10:56 GMT+7
Tại Nghệ An, nước lũ cơ bản đã rút, nhưng những thiệt hại, những bộn bề do lũ để lại thật là khủng khiếp. Người dân và chính quyền các địa phương đang tích cực dọn dẹp và khắc phục hậu quả của bão lũ...
Khốn khổ sống tạm

Ngày 21.10, tại xã Long Thành - vùng rốn lũ của huyện Yên Thành, nước đã rút ra khỏi các xóm, nhưng một lớp bùn non nhớp nhúa dày cả gang tay phủ khắp mọi nơi, rác rưởi, bèo tây, xác súc vật chết bốc mùi hôi tanh nồng nặc.

Bà Nguyễn Thị Hà ở xóm Vân Thanh ngán ngẩm: “Hơn 7 ngày rồi, nước ngập nên cả người và trâu bò, lợn gà phải sống chung nên cả nhà rất khốn khổ. Nay nước rút, nhưng nhà tôi như một bãi chiến trường, bùn phủ khắp nhà, vợ chồng con cái quét dọn, lau chùi hết 1 ngày mà vẫn chưa xong. Lúa má thì ướt, đã mọc mầm. Giếng nước, bể nước đều bị ngập, rác rưởi tấp đầy, phải đạp xe đi xin nước sạch về dùng. Mọi sinh hoạt của gia đình đều đảo lộn. Không biết đến khi mô mới ổn định cuộc sống đây”.

Người dân xã Long Thành (huyện Yên Thành) dọn dẹp vệ sinh nhà cửa và đường đi sau lũ.
Người dân xã Long Thành (huyện Yên Thành) dọn dẹp vệ sinh nhà cửa và đường đi sau lũ.

Ông Lê Công Đẩu - Chủ tịch UBND xã cho biết: Mấy ngày qua 12 xóm đều bị cô lập, người dân rất khốn khổ. Sau khi nước rút, các xóm đã tích cực dọn vệ sinh. Các trường học, học sinh đã đến lớp, riêng Trường Tiểu học Long Thành sân trường vẫn còn ngập nước. Sáng 20.10, nhà trường cũng đã huy động 50 thầy cô giáo đến dọn dẹp, làm vệ sinh. Dự kiến khoảng 25.10 học sinh mới đến trường được”.

Tại huyện Nam Đàn, từ ngày 19 đến chiều 21.10, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng như bộ đội, công an, đoàn thanh niên và dân quân tự vệ giúp dân và các trường học dọn vệ sinh, khắc phục hậu quả sau lũ.

Ông Đinh Xuân Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Mưa lũ đã làm hư hỏng 1.500ha ngô và hoa màu, hàng trăm ngôi nhà bị ngập, hàng trăm ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi. “Hiện nay nước cơ bản đã rút, chúng tôi chỉ đạo bà con tranh thủ tái sản xuất trồng lại số rau màu, ngô đã mất, hư hỏng. UBND huyện cũng đang phát động bà con tham gia khắc phục những tuyến đường hư hỏng để phục vụ sản xuất cũng như đi lại an toàn”. Ở các huyện vùng lũ như Thanh Chương, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, người dân cũng đang tích cực dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả bão lũ để ổn định cuộc sống.

Nhiều nguy cơ xảy ra dịch bệnh

Một vấn đề nóng sau đợt lũ mà người dân đang hết sức lo lắng là dịch bệnh sẽ bùng phát vì môi trường và nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng. Anh Nguyễn Vân ở xã Long Thành (Yên Thành) cho hay: “Dân xã tôi chủ yếu dùng nước giếng và bể nước mưa, nhưng giếng và bể của nhiều hộ đã bị nước lũ tràn vào gây ô nhiễm nghiêm trọng”.

Theo Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nghệ An, trên địa bàn tỉnh có 3 người chết, hơn 6.001 nhà dân bị ngập; 10.566,2ha lúa chìm trong nước, mất trắng trên 70%. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập 2.754ha. Nhiều công trình thủy lợi, đê điều, hồ đập , trường, trạm, đường giao thông... bị hư hỏng, sạt lở. Ước thiệt hại về kinh tế hơn 500 tỷ đồng.


Ông Nguyễn Văn Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Yên Thành cho biết: Sau khi nước rút, Trung tâm đã cấp hơn 1 tạ cloraminB cho 4 xã vùng lũ để xử lý giếng nước (trước đó các trạm y tế những xã này cũng đã có dự trữ). Đồng thời trung tâm cũng đã cử cán bộ y tế xuống các xóm giúp dân xử lý giếng nước và xử lý môi trường phòng dịch bệnh xảy ra sau lũ.

Tại xã Mai Hùng, huyện Quỳnh Lưu, cơn lũ đầu tháng 10 để lại rác rưởi còn chưa xử lý xong, thì cơn lũ mới ập đến đã khiến đủ các loại rác chất đầy 2 bên bờ sông Hoàng Mai gây ô nhiễm trầm trọng.

Để giúp người dân xử lý môi trường sau lũ lụt, tỉnh Nghệ An yêu cầu ngành y tế và tài nguyên môi trường cử cán bộ chuyên môn cùng các phương tiện, thuốc men trực tiếp hướng dẫn người dân xử lý môi trường đúng quy trình, tránh để phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Trong các ngày từ 19-21.10, ngành y tế, tài nguyên môi trường, quân đội và các ngành liên quan cũng cử cán bộ đến các vùng trọng điểm lũ lụt, nơi có nguy cơ ô nhiễm môi trường nặng để giúp người dân và địa phương xử lý môi trường.