Dân Việt

Vụ "ấm trà giá 320 nghìn đồng": Chuyên gia nói đánh thuế cao là 'cực đoan'

Hồ Hương (ghi) 26/02/2014 13:10 GMT+7
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó GĐ Sở Thương mại Hà Nội cho rằng đánh thuế nặng để ngăn chặn tình trạng chặt chém là biện pháp 'cực đoan'.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở thương mại Hà Nội.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở thương mại Hà Nội.

Về giải pháp khắc phục tình trạng chặt chém ở lễ hội Chùa Hương, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cho rằng “chính quyền cần vào cuộc mạnh mẽ, cần tăng thuế đến mức độ không kinh doanh được để loại bỏ những cửa hàng chặt chém khách trong lễ hội”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở thương mại Hà Nội cho rằng: "Nếu quản lý bằng cách đó là cách quản lý cực đoan".

"Người quản lý khôn ngoan là phải tìm ra giải pháp để dung dưỡng nguồn thu. Phải làm sao để người kinh doanh làm thật và khai thật với cơ quan quản lý. Để có nguồn thu cho ngân sách không thể dùng biện pháp hành chính như phạt nặng hay bắt đóng cửa… như vậy là phản khoa học", ông Phú nhận xét.

Cũng theo ông Phú, vấn đề quyền kinh doanh không ai được cấm. Trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải hướng dẫn để người dân và các hộ kinh doanh làm theo quy định. Các hộ kinh doanh có phát triển được thì ngân sách địa phương mới có nguồn thu.

Về giải pháp để khắc phục tình trạng chặt chém ở các lễ hội nói chung và lễ hội Chùa Hương nói riêng, ông Phú cho rằng: "Những quy định đã có trong Luật Thương mại. Nếu nói là “nâng thuế” thì phải dựa trên cơ sở nào, quy định ở đâu. Về lĩnh vực thuế thì chỉ có hai cách thu, một là thu thuế VAT (nếu là công ty, doanh nghiệp), thu thuế khoán (nếu là hộ kinh doanh tư nhân, cá thể). Tình trạng chặt chém ở lễ hội Chùa Hương diễn ra ở hộ kinh doanh cá thể thì trách nhiệm thuộc về phòng tài chính huyện Mỹ Đức. Tôi xin phân tích một ví dụ nhỏ thế này. Thu thuế VAT là dựa trên giấy tờ, sổ sách, hóa đơn… còn thuế khoán là khoản thu “ai khéo thì chịu thuế thấp, ai không khéo thì phải chịu thuế cao. Thuế khoán có thể hại cho người kinh doanh nhưng cũng có thể lợi. Chính vì vậy, đơn vị quản lý giá, thuế trên địa bàn phải có nghĩa vụ đưa mọi quy đinh vào quy củ để thực hiện thì mới có thể quản lý được".

Liên quan đến trách nhiệm niêm yết giá của các chủ hộ kinh doanh, ông Phú lý giải: "Về quy định niêm yết giá và hàng hóa thì trong Luật thương mại cũng quy định rất rõ, cơ quan quản lý không làm đúng trách nhiệm thì phải chịu. Chẳng hạn quy định phải niêm yết giá và quy chuẩn của hàng hóa để khách hàng biết. Ví dụ, quy chuẩn của một bát phở giá từng này, tương đương với lượng từng này… nếu cửa hàng nào làm sai thì trên cơ sở đó mới có thể phạt".