Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên NTNN đã trao đổi với ông Tăng Minh Lộc - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT).
Ông Lộc cho biết: “DĐĐT là một chủ trương đúng để giúp người dân có điều kiện sản xuất hàng hóa, chấm dứt tình trạng chia cắt ruộng đất thành nhiều mảnh. Tuy nhiên, dồn điền chỉ là một phương pháp để chúng ta sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, cũng cần phải cải tạo lại đồng ruộng, đường sá, mương máng thuận lợi hơn cho canh tác, đưa cơ giới vào sản xuất”. Về cách làm, theo ông Lộc, cho đến nay phía T.Ư chưa có văn bản cụ thể nào, mà chủ yếu là do các địa phương tự dựa vào tình hình thực tế của mình để làm.
Ông Nguyễn Văn Hảo (Xuân Dương, Thanh Oai, Hà Nội) bức xúc vì ruộng bị phá.
Đối với việc khiếu kiện liên quan đến công tác DĐĐT hiện nay, ông Lộc cho rằng: “Nguyên tắc số 1 khi DĐĐT là phải đưa ra bàn bạc một cách dân chủ, công khai với nhân dân, chỉ khi nào được nhân dân thống nhất, ít nhất 80-90% thì khi đó chúng ta mới tiến hành DĐĐT. Chẳng hạn như chúng ta có một khu đồng chia cho 3 hộ, trước khi DĐĐT phải tiến hành họp thống nhất xem chỗ nào làm mương, chỗ nào làm bờ, rồi mới đến gắp thăm chia ruộng”.
Một vấn đề bức xúc trong DĐĐT hiện nay là, các cán bộ thôn, xã thường chọn cho mình và người thân ruộng đẹp, để lại ruộng xấu cho dân, ông Lộc chia sẻ: Kinh nghiệm hồi còn làm lãnh đạo ở huyện của tôi cho thấy, giải quyết vấn đề này rất dễ. Do địa hình ruộng đất các tỉnh Bắc Bộ không đồng đều, trên cùng một cánh đồng có chỗ tốt, chỗ xấu, vì thế, trước khi chia chúng ta cần thống nhất lập các hệ số khác nhau, chẳng hạn ruộng đẹp thì hệ số bằng 1, ruộng bình thường hệ số 1,1 và ruộng xấu hệ số 1,2.
Sau khi bàn, các hộ có thể thống nhất ai gắp được ruộng đẹp thì chấp nhận giảm diện tích từ 5 sào xuống còn 4 sào/thửa, ngược lại hộ gắp phải ruộng xấu được tăng từ 5 lên 6 sào/thửa, từ đó sẽ tránh được vấn đề khiếu kiện. Còn về diện tích đất dôi ra sau DĐĐT, thì cần phải xung quỹ đất công ích để đấu thầu cấy lấy sản. Riêng về trường hợp cưỡng chế dân DĐĐT như ở Thanh Oai (Hà Nội), ông Lộc cho biết, hiện chưa nắm rõ tình hình thực tế ra sao, cần cho kiểm tra lại để làm rõ.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, đúng là trong thời gian qua ở một số địa phương có xuất hiện tình trạng cán bộ không gương mẫu, vận dụng cách làm chưa khéo, chưa dân chủ. “Vấn đề của chúng ta là cứ công khai mà làm, nếu dân chưa thống nhất thì để lại 1-2 vụ sau làm tiếp, bởi việc DĐĐT này là việc của dân” - ông Lộc nói.
Về chủ trương DĐĐT trong thời gian tới, ông Lộc khẳng định, nên tiếp tục triển khai và đây là trách nhiệm của các địa phương. Song tùy thuộc vào từng nơi, nếu lãnh đạo địa phương cảm thấy đủ khả năng làm thì làm, không nên nóng vội, cần làm đúng, dân chủ, công khai.