Phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Mạnh Phú- Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ xung quanh
sự kiện đặc biệt này.
Ông có thể giới thiệu khái quát về huyện nhà với bạn đọc báo NTNN?- Là vùng đất có bề dày lịch sử, cái tên Phúc Thọ đến nay đã có 191 năm; trên địa bàn huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp; tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Phúc Thọ là vùng đất hiếu học, có nhiều người đỗ đạt, thành danh; nhân dân hiền hòa, giàu tình yêu quê hương, đất nước; là địa phương có truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động, bền bỉ, dũng cảm trong đấu tranh phòng chống thiên tai; kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đặc biệt trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Phúc Thọ đã đóng góp nhiều cả về nhân lực và vật lực, góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc.
Trong những năm gần đây, kinh tế của huyện có những bước phát triển khá, tăng trưởng bình quân đạt trên 10%/năm. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,8%, công nghiệp và xây dựng cơ bản tăng 13,8%, thương mại – dịch vụ tăng 12,1%. Hiện nay, huyện đang tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá và 6 chương trình công tác lớn xuyên suốt nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Chương trình xây dựng nông thôn mới, được chỉ đạo quyết liệt và có nhiều khởi sắc. Năm 2013, Phúc Thọ đã hoàn thành kế hoạch dồn điền đổi thửa, có 4 xã được công nhận nông thôn mới, Phúc Thọ sẽ tập trung vào cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích canh tác.
Chọi trâu là một sự kiện văn hóa lớn, vậy huyện Phúc Thọ đã chuẩn bị như thế nào cho ngày hội sắp tới?- Trước hết, chung tôi rất cảm ơn Báo NTNN - một tờ báo hàng đầu về tam nông với 30 năm xây dựng và phát triển đã tin tưởng và đề nghị huyện Phúc Thọ đồng tổ chức hội chọi trâu này. Đây là một sự kiện đặc biệt nên ngay sau khi nhận được đề nghị của quý báo, chúng tôi đã bàn bạc một cách nghiêm túc trong Thường trực Huyện ủy, đi đến thống nhất cao và đã triển khai cho các đơn vị, phòng ban chức năng tiến hành tổ chức hội với tinh thần quyết liệt, khẩn trương trang trọng, tiết kiệm và an toàn.
Phải khẳng định rằng, đây là một cơ hội tốt để quảng bá về văn hóa, về miền đất, con người, vùng sinh thái và sản vật của Phúc Thọ, tạo sân chơi mới cho bà con nhân dân trong huyện. Qua công tác chuẩn bị, chúng tôi cũng nhận thấy nhân dân tại địa phương đang thực sự rất háo hức chờ đợi ngày hội này.
Về công tác chăm sóc, tuyển chọn trâu chọi, hiện tại nhân dân và doanh nghiệp trong huyện đã đăng ký đủ 32 ngưu thủ. Tuy là lần đầu được chăm sóc huấn luyện trâu chọi, nhưng với truyền thống chăn nuôi tại địa phương, bà con đều làm rất tốt. Nhiều chủ trâu còn thuê cả chuyên gia huấn luyện trâu chọi ở một số tỉnh, thành, đặc biệt là Hải Phòng tham gia vào công tác nuôi và huấn luyện trâu. Bà con còn cho trâu ăn những thức ăn tốt, như mía tươi, mật ong, mật mía, cháo, để đảm bảo đến ngày hội trâu có sức khỏe, thể trạng tốt, để cống hiến những trận đánh hay và quyết liệt cho khán giả.
Huyện Phúc Thọ ở phía tây bắc TP.Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng 35km; giáp với các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây; huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc). Diện tích tự nhiên trên 117km2, dân số trên 17,5 vạn người, gồm 22 xã và 1 thị trấn, chia làm 2 vùng (vùng đồng và vùng bãi); có Quốc lộ 32, Tỉnh lộ 417, 418, 421; có 3 sông chảy qua là sông Hồng, sông Đáy và sông Tích.
|
Mặt khác, nghề chăn nuôi trâu chọi cũng đang đem lại thu nhập đáng kể cho một số bà con, qua đây cũng thúc đẩy phong trào chăn nuôi trâu có tầm vóc lớn tại địa phương, biến chăn nuôi thành hàng hóa thông qua sản phẩm du lịch, hội chọi trâu và thịt trâu chọi.
Các công tác khác như an ninh, trật tự, khánh tiết, tuyên truyền, tổ chức ngày hội chúng tôi đã phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng phòng, ban thực hiện.
Với sự cam kết hợp tác giữa Báo NTNN và huyện Phúc Thọ, UBND huyện sẽ làm gì để đưa hội chọi trâu Phúc Thọ thành một sự kiện văn hóa thu hút sự tham gia ngày một đông đảo của bà con nông dân?- Chúng tôi mong muốn rằng từ năm 2014, hội chọi trâu sẽ là sự kiện thường niên của địa phương. Theo đó, sự hợp tác giữa hai đơn vị sẽ bền chặt, lâu dài. Với địa phương chúng tôi, đây là một nét sinh hoạt văn hóa mới, thu hút được đông đảo nhân tham gia. Chúng tôi cũng hiểu rằng xây dựng nông thôn mới không chỉ phát triển kinh tế mà còn phải chăm lo đời sống văn hóa cho nhân dân ở địa phương. Trong tương lai, chúng tôi muốn hội chọi trâu không chỉ là một lễ hội văn hóa mà còn là sự kiện về phát triển kinh tế. Có thể sau này, hội chọi trâu sẽ giúp cho huyện thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, nhiều người sẽ biết đến Phúc Thọ và nhiều sản phẩm của Phúc Thọ sẽ đến với mọi người.
Xin cảm ơn ông!