Bộ Tư pháp đang hoàn thiện luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tới.
Theo ông Trần Tiến Dũng - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp, nhằm tăng cường tính răn đe của pháp luật, khắc phục tình trạng người phải thi hành án trì hoãn nghĩa vụ của mình, dự thảo luật bổ sung quy định theo hướng ngoài các khoản tiền phải thi hành theo bản án, quyết định của tòa, cứ mỗi ngày chậm thi hành án thì người phải thi hành án phải nộp ngân sách nhà nước 0,05% trên tổng số tiền chưa thi hành.
Ví dụ người phải thi hành án số tiền 1 tỷ đồng, nếu chậm thi hành mỗi ngày sẽ mất 500.000 đồng nộp vào ngân sách, ngoài ra phải trả thêm lãi suất tính theo lãi suất ngân hàng cho người được thi hành án.
Dự thảo luật cũng mở rộng điều kiện, mức miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước. Những trường hợp được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án: Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành hoặc có tài sản nhưng giá trị của nó chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành; không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình họ; không xác định được địa chỉ, nơi sinh sống hoặc tài sản của người phải thi hành án...