Trên đoạn đường 30km từ TP.Lạng Sơn đi cửa khẩu Tân Thanh, chúng tôi gặp cảnh hàng trăm chiếc xe máy luồn lách từ những ngõ nhỏ hoặc từ trong nhà người dân hai bên đường phi ra lộ với tốc độ kinh người, xe nào cũng chở hàng hóa cao ngất ngưởng. Với tốc độ và sự liều lĩnh của các tay lái này thì lực lượng chức năng đành bó tay...
Năm 2010, số lượng vũ khí bị Hải quan Tân Thanh thu giữ tăng đột biến |
Nhộn nhịp vùng biên
Tôi yêu cầu anh lái xe taxi tên Hòa đi chầm chậm sát lề đường để có thể chụp cảnh tập kết hàng hóa trong sân nhà người dân. Khi kính xe vừa hạ xuống và máy ảnh được đưa lên thì một thanh niên tóc nhuộm vàng, tay cầm bộ đàm từ một ngõ nhỏ bên đường hùng hổ chạy ra. Thấy vậy, anh Hoà vội đóng kính xe và tăng tốc.
Dù trời lạnh cắt da cắt thịt, nhưng tôi vẫn thấy bác tài đưa tay vuốt trán như lau mồ hôi. Im lặng một lúc, người lái taxi quê Đồng Đăng này mới cất tiếng: “Nguy hiểm lắm! Chúng nó mà phát hiện ra và chặn xe lại thì chỉ có chết. Tôi chẳng lạ gì những cảnh buôn lậu như vừa rồi, và cũng chẳng lạ gì sự liều lĩnh của các chủ hàng và đội cửu vạn ở đây”.
Theo anh Hòa, sự liều lĩnh này là do giá trị và lợi nhuận của hàng lậu rất lớn. Chủ hàng phải bỏ tiền ra mua thì không nói làm gì, riêng đội ngũ cửu vạn, trước khi nhận vận chuyển phải nộp vào một số tiền cọc lớn hơn giá trị hàng. Vì vậy các cửu vạn khi bị biên phòng và hải quan phát hiện vây bắt thì chống trả rất liều lĩnh để bảo vệ hàng.
Khi chúng tôi đến cửa khẩu Tân Thanh thì trời đã nhá nhem tối, đây cũng là khoảng thời gian mà giới buôn lậu bắt đầu hoạt động. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh - ông Phùng Quang Hội đang bận rộn dặn dò 5 cán bộ hải quan được tăng cường cho điểm nóng Cốc Nam.
Nhìn 5 hải quan viên được trang bị mũ bảo hiểm và đầy đủ các công cụ hỗ trợ là tôi biết sự quyết liệt cũng như nguy hiểm trong công tác phòng chống buôn lậu ở vùng biên giới phía Bắc này. Tiễn quân xong, anh Hội khoác thêm chiếc áo ấm rồi đưa chúng tôi đi một vòng qua các đường mòn lối tắt hai bên cánh gà khu cửa khẩu.
Chúng tôi đi đến đâu, phía trước đều có ánh đèn pin lóe lên rồi tắt phụt ngay. Anh Hội bảo đó là bọn “chim lợn” báo hiệu cho các chủ hàng và cửu vạn có hải quan để “án binh bất động” hoặc trốn tránh. Đội ngũ “chim lợn” này đóng quân từ... cửa Chi cục Hải quan cho đến nơi ăn ngủ của các cán bộ.
Phương tiện liên lạc của họ là máy bộ đàm và điện thoại di động. Đây chính là một trở ngại lớn cho các cơ quan chức năng chống buôn lậu ở khu vực biên giới này.
Nhắc đến những chiếc xe “thần tốc” mà chúng tôi gặp trên đường, anh Hội lắc đầu đầy ngán ngẩm: “Bọn chúng liều lĩnh phóng xe tốc độ cao để các lực lượng chức năng không thể ngăn cản được. Đi bắt buôn lậu thật nhưng nếu trong quá trình truy đuổi, ngăn chặn mà mình gây ra tai nạn cho họ hoặc gây tai nạn cho người đi đường thì mình vẫn phải chịu trách nhiệm. Vì thế chúng tôi chỉ có thể theo dõi, thu thập thông tin để tiến hành bắt giữ ở nơi tập kết hàng”.
Buôn lậu... hợp pháp
Chi cục trưởng Hội tiếp tục đưa chúng tôi tới kho chứa hàng cấm và hàng trốn thuế bị bắt khi vận chuyển qua biên giới khu vực cửa khẩu Tân Thanh. Nhìn hàng trăm món vũ khí cả “nóng” lẫn “lạnh” xếp ngồn ngộn trong kho, chúng tôi không khỏi giật mình khiếp sợ khi nghĩ đến hậu quả kinh hoàng khi lượng vũ khí lớn này được vận chuyển trót lọt về các đô thị.
Theo anh Hội, dịp Tết Tân Mão này, lượng hàng hóa là vũ khí, pháo nổ tăng vọt so với các năm trước. Tháng trước Tết, lực lượng Hải quan Tân Thanh cũng đã bắt giữ 88,6kg pháo các loại, trong đó có 46 quả pháo nổ hình lựu đạn...
Ngoài việc vận chuyển hàng qua các đường mòn biên giới, giới buôn lậu còn lợi dụng một số cơ chế, chính sách của Nhà nước để buôn lậu một cách “hợp pháp”. Theo Quyết định 254/2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới thì cư dân biên giới được phép trao đổi hàng hóa phục vụ sinh hoạt tiêu dùng hàng ngày với trị giá 2 triệu đồng/người/ngày được miễn thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số chủ đầu nậu đã lợi dụng chính sách để thuê cư dân biên giới mang vác hàng hóa, gây nhiều khó khăn cho việc quản lý của các cơ quan hải quan...
--------------
>> Kỳ 2: Thâm nhập “chảo lửa”
Nhóm Phóng viên