Dân Việt

Gần 3 tiếng máy bay quần thảo nam đảo Thổ Chu, vẫn không có phát hiện mới

19h tối nay (10.3), chiếc thủy phi cơ DHC6 đã về đến sân bay Phú Quốc. Trước đó, khoảng 30 phút trực thăng Mi 171 mang số hiệu 02 của Trung đoàn 917 (Sư đoàn 370) cũng đã về tới sân bay Phú Quốc, nhưng vẫn chưa có phát hiện gì mới.
Lúc 19h, chiếc thủy phi cơ DHC6 chở Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu thị sát nhiều giờ liền trên vùng biển nghi máy bay bị nạn đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang).

Ngay sau đó, ông Phạm Quý Tiêu cho biết: “Được sự chỉ đạo của Chính phủ, lực lượng không quân Việt Nam và cảnh sát biển đã phân công lực lượng đi trên thủy phi cơ DHC6 và trực thăng Mi 171 mang số hiệu 02 của Trung đoàn 917 để quan sát, tìm kiếm vị trí nghi máy bay Malaysia rơi. Tuy nhiên, cả 2 đoàn bay chưa thấy tín hiệu tích cực”.

Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho biết thêm: “Vật thể do bên Singapore phát hiện không phải là của máy bay. Ngày mai (11.3), chúng tôi quyết tâm cùng nhiều lực lượng tìm kiếm, khu vực tìm kiếm sẽ được mở rộng thêm, lực lượng cũng sẽ bổ sung thêm. Nước ta đã cho phép các tàu và máy bay nước ngoài tìm kiếm trong lãnh thổ Việt Nam. Hiện đã có trên 34 máy bay và 40 tàu đang tìm kiếm tại khu vực nghi máy bay Malaysia rơi”.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu trả lời báo chí ngay sau khi đáp xuống sân bay Phú Quốc. Ảnh: Huỳnh Xây
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu trả lời báo chí ngay sau khi đáp xuống sân bay Phú Quốc. Ảnh: Huỳnh Xây

Cơ trưởng, đại tá Trần Văn Quang - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 917, Sư 370 - cho biết: “Sau gần 3 tiếng tìm kiếm trên biển ở phía nam đảo Thổ Chu, đoàn bay đã bay được 240km, cách đảo Thổ Chu khoảng 80km, khu vực 8 độ 27 phút 40 giây vĩ độ Bắc, 102 độ 58 phút 48 giây kinh độ Đông, tầm bay 500m, tốc độ bay 200km/h, nhưng vẫn không phát hiện được gì mới”.

Ở một diễn biến khác, chiều 10.3, ông Phạm Thanh Tâm - Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ - thông tin, cơ quan này vừa họp khẩn để triển khai các giải pháp thắt chặt an ninh hàng không tại sân bay quốc tế Cần Thơ. Theo đó, cấp độ an ninh tại sân bay này được nâng lên cấp độ I. “Chúng tôi sẽ tăng cường số lượng nhân viên an ninh; không cho người vào khu vực hạn chế; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra những hành khách và hành lý của họ nhằm đảm bảo an ninh tốt nhất cho các chuyến bay”.

img
Trực thăng tăng cường đáp xuống sân bay Cà Mau

Trước đó - 15h40 chiều nay, trực thăng Mi 171 mang số hiệu 8431 thuộc Trung đoàn 917 (Sư đoàn 370-Không quân Việt Nam) đã đáp xuống sân bay Cà Mau sau gần 45 phút xuất phát từ sân bay Cần Thơ. Trực thăng này trực chiến, chờ lệnh cất cánh ra biển tìm kiếm máy bay của Hãng hàng không Malaysia nghi bị mất tích ở vùng biển Việt Nam.

Đại tá Trần Văn Lâm – Phó Sư đoàn Trưởng Sư đoàn 370 cho biết, chiếc Mi 171 số hiệu 8431 cất cánh từ sân bay Cần Thơ vào lúc 14h59 cùng ngày.

Như vậy, tính đến thời điểm này đã có 3 chiếc trực thăng Mi 171 của Trung đoàn 917 (Sư đoàn 370 – Không quân Việt Nam) tại sân bay Cà Mau chờ lệnh cất cánh làm công tác cứu hộ, cứu nạn.

Theo đại tá Lâm, lúc 15 giờ chiều ngày 10.3, trực thăng Mi 171 cũng đã cất cánh từ sân bay Quốc tế Phú Quốc để tìm kiếm, cứu nạn máy bay Malaysia, và sẽ trở về sân bay Cà Mau tiếp tục chờ lệnh.

img
Các chiến sĩ thuộcTrung đoàn 917 (Sư đoàn 370 – Không quân Việt Nam) cũng được tăng cường

Trong một diễn biến khác, hơn 40 phút trước, chiếc thủy phi cơ DH-C6 của Quân chủng Hải quân Việt Nam đã cất cánh tại sân bay Phú Quốc ra khu vực tìm kiếm .

Đây là chuyến bay tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đối với máy bay Malaysia bị mất tích lần thứ hai. Được biết, thủy phi cơ DH-C6 có thể bay sát mặt biển và khi cần cũng có thể hạ cánh và cất cánh trên mặt biển để cứu nạn.

Thông tin từ Vùng cảnh sát biển 4 và Vùng 5 Hải quân cho biết, đến thời điểm này, công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển vẫn chưa phát hiện gì mới.

Riêng chiếc thủy phi cơ DH-C6 phát hiện có một mảnh vỡ nghi từ máy bay, sau đó Tàu CSB 2003 đã tiếp cận được vị trí xác định có vật thể lạ và tích cực tìm kiếm.