Câu chuyện cô tiếp viên 24 tuổi của Hàng không Việt Nam chuyển hàng, nghi là hàng ăn cắp bị cảnh sát Nhật bắt, khiến cho dư luận ồn ào. Trên mạng xã hội và các báo điện tử nhiều tiếng chửi và dè bỉu, rằng đó là nỗi nhục của người Việt Nam.
Ôi to chuyện quá!
Nước mình hàng chục năm nay không ai nói ra nhưng hầu như tiền thao túng trong rất nhiều chuyện, vai trò đồng tiền thông tắc nhiều khi là tuyệt đối. Cô bé 24 tuổi kia nếu có chuyển hàng lậu, hàng ăn cắp về Việt Nam liệu đã hồi được phần nào cái vốn đầu tư để lọt vào làm tiếp viên chưa.
Vào đó thì chắc ít nhiều cũng có dính dáng tới những chuyện lình sình kiểu này. Vì ai chả phải xòe tiền ra mua chỗ. Công chức ở phường xã ngồi cạo giấy giữ chỗ thôi mà còn phải dùng tiền xoay xở, nữa là chỗ có cơ hội kiếm tiền.
Nói về cái tất yếu như vậy không có nghĩa là biện minh cho cô bé chuyển hàng ăn cắp. Mà nó là câu chuyện gần như đương nhiên của cả nước, ở đủ mọi môi trường, đủ mọi ngành nghề và đủ ở các mối quan hệ, ở mức nào thì ai cũng rõ. Nhưng nó được bao che và tìm đủ mọi cách xóa dấu vết, chùi sạch rửa kỹ như sau khi đi vệ sinh. So thế để biết câu chuyện cô bé kia tung hê rầm rĩ có khác chi trò cười.
Chuyện ăn cắp, móc túi là “tài sản” chung của nhân loại, đâu chả có, cả từ nước văn minh đến lạc hậu. Đừng có la lối rằng nhục hay không và vội nhận về như đặc tính của người Việt Nam.
Chuyện quan tham hối lộ bòn rút trốn thuế… ở kẻ có quyền lực hay dân thường cũng là “tài sản” của nhân loại đấy. Nó đứng vững như một quy luật. Chỉ có điều nơi xảy ra ít hơn là do nơi ấy có chế tài tốt hơn, luật pháp nghiêm hơn mà thôi!
Chuyện người tử tế và kẻ tham lam có đủ mặt ở mọi nơi trên hành tinh này mà, chả phải người Việt xấu hơn Ý, Pháp, Mỹ, Nhật…Tôi từng qua một số nước đó rồi, cũng đầy ra ạ, ở cả những nơi du lịch phồn hoa.
Chả phải những năm sáu mươi thế kỷ trước, tối ngủ không cần đóng cửa, ra đường kẻ trộm cắp sợ người lương thiện, công an là nỗi lo của bọn người xấu và là niềm tin của mỗi người dân. Đất nước ta chả từng đã có những thời kỳ rất tốt đẹp về an ninh xã hội sao!
Hãy bình tĩnh nhìn lại mình, nhất là những nhà quản lý ngành nghề, quản lý đất nước. Ngọn đèn sáng trên cao, chả nhẽ dưới đất lại tối.
Lẽ nào!