Đại biểu QH Lê Thanh Vân lại tiếp tục đề xuất xây dựng luật về trọng dụng nhân tài, một luật mà chính ông đã nhiều lần đề xuất, thậm chí muốn đưa cả vào Hiến pháp, nhưng đều không được chấp nhận. Cần phải khẳng định ngay là không cần có luật về trọng dụng nhân tài!
Thứ nhất, nhân tài là một khái niệm khó xác định. Một người tài thường chỉ được tôn vinh là nhân tài sau khi đã chết, hoặc đã đạt được những thành tích xuất chúng (thí dụ được thế giới tôn vinh bằng những giải thưởng quý giá, hay đã thành công lớn trong kinh doanh). Họ chẳng cần đến cái luật trọng dụng nhân tài.
Và những sự tôn vinh như thế thường không phải do nhà nước làm mà do các tổ chức xã hội dân sự tiến hành. Nói cách khác, giả như có luật về trọng dụng nhân tài thì sẽ vô cùng khó nếu không nói không thể xác định được đối tượng áp dụng của nó.
Và lý do duy nhất này có thể gây ra vô vàn sự méo mó (chạy chọt, xin cho) trong áp dụng và làm mất uy tín của luật khi áp dụng cho những kẻ bất tài chứ không phải cho nhân tài thực sự. Do không thể đưa ra các tiêu chí mà muốn áp dụng phải đưa ra các tiêu chí cụ thể và những tiêu chí như thế sẽ khuyến khích việc tốn thời gian, công sức, tiền của để đạt những “chứng chỉ” về các tiêu chí như vậy và mở đường cho những tiêu cực khó lường.
Thứ hai, giả như luật này ra đời, như vậy sẽ tạo ra sự cứng nhắc trong việc đánh giá ai là nhân tài và riêng việc này là phản khoa học và cản trở chính sự phát triển của nhân tài. Vì nhân tài là phải có sáng tạo và sự sáng tạo đó phải có kết quả xuất chúng. Mọi sự cứng nhắc đều phản lại sự sáng tạo và như thế không thể khuyến khích các nhân tài xuất hiện.
Thứ ba, tuyển chọn nhân sự là công việc tối quan trọng của mọi tổ chức, kể cả các tổ chức nhà nước.
Đối với các tổ chức tư nhân, nhà nước không có tư cách và không có năng lực và thẩm quyền gì để lo cho họ. Họ chẳng cần đến sự can thiệp của nhà nước. Hãy để họ tự lo. Tổ chức tư nhân nào làm kém việc nhân sự, trong đó có trọng dụng nhân tài, thì sức cạnh tranh kém, kết quả hoạt động không tốt và có thể bị loại khỏi đời sống. Nói cách khác, cạnh tranh buộc các tổ chức tư nhân phải luôn coi trọng nhân tài nếu muốn phát triển.
Đối với các tổ chức nhà nước, chính sách nhân sự (trong đó có trọng dụng nhân tài) phải do những người đứng đầu tổ chức ấy quyết định. Họ có thể tham khảo những cẩm nang, các tập quán tốt nhất nhưng họ phải được tự do quyết định vì chỉ có thế mới thúc đẩy được sự đổi mới sáng tạo. Như thế luật hóa sẽ triệt tiêu động lực sáng tạo như vậy và chắc chắn sẽ dẫn đến tai họa. Cũng tương tự như với các tổ chức tư nhân, sự cạnh tranh chính trị là giải pháp tốt nhất để các đảng cầm quyền chú trọng đến việc trọng dụng nhân tài.
Chỉ nhắc tới vài điểm nêu trên đã thấy đề xuất làm luật về trọng dụng nhân tài là hoàn toàn không cần thiết, không những không khả thi mà nhiều khi còn cản trở sự phát triển của đất nước.