Dân Việt

Dịch cúm gia cầm có bị thổi phồng?

Ngọc Lê (thực hiện) 01/03/2014 06:32 GMT+7
Như NTNN đã phản ánh, dịch cúm gia cầm tuy không gây thiệt hại trực tiếp lớn, song đã gián tiếp gây thua lỗ nặng nề cho người chăn nuôi do người tiêu dùng e ngại sử dụng các sản phẩm gia cầm.
Nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng, dịch lần này đang bị thổi phồng quá mức?

Xung quanh vấn đề này, phóng viên NTNN đã trao đổi với ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành thú y.

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam.
Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam.

Cho đến thời điểm này, dịch cúm gia cầm (CGC) đã bùng phát ở nhiều nơi, song cũng chỉ là những ổ dịch nhỏ lẻ của các hộ chăn nuôi. Việc chúng ta cảnh báo dịch là đúng, song liệu có hơi quá dẫn tới giá gia cầm giảm mạnh, thưa ông?

- Theo tôi, việc chúng ta cảnh báo về tình hình dịch bệnh là đúng và cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên dừng ở việc thông báo, chứ đừng nên bình luận quá mức về dịch, dẫn đến việc người tiêu dùng mặc cảm, hạn chế tiêu thụ thịt gia cầm.

Nhiều chủ trang trại đang đứng ngồi không yên vì gia cầm khó tiêu thụ, giá bán rất thấp (ảnh minh họa).
Nhiều chủ trang trại đang đứng ngồi không yên vì gia cầm khó tiêu thụ, giá bán rất thấp (ảnh minh họa).

Dường như hiện nay, các cơ quan thú y, y tế chỉ chăm chăm vào việc cảnh báo dịch hơn là hướng dẫn người dân sử dụng sản phẩm gia cầm ra sao. Liệu đây có phải là lý do dẫn tới việc một số người dân tẩy chay các sản phẩm gia cầm?

- Đúng là CGC lây nhiễm rất nguy hiểm. Song bên cạnh việc cảnh báo, đánh giá về tình hình dịch như trong thời gian vừa qua, ngành thú y và y tế cũng cần phải lên tiếng khẳng định sản phẩm gia cầm có dùng được không. Hiện chúng ta chỉ thông tin dịch ở chỗ nọ, chỗ kia chứ tôi chưa thấy ai lên tivi, báo chí khẳng định thịt gia cầm vẫn ăn được. Thực tế cho thấy, trừ trường hợp gia cầm ốm chết thì chúng ta phải đem chôn, nếu mới chỉ nghi ngờ gia cầm có nhiễm cúm, vẫn có thể ăn được nếu chế biến đúng cách và luộc chín.

Có ý kiến cho rằng, dường như một số cơ quan đang cố “thổi phồng” dịch lên quá mức để lợi dụng thời điểm này đề xuất Chính phủ cho nhập vaccine phòng chống CGC và các chi phí khác. Theo ông, khả năng này có thể xảy ra không?

- Qua theo dõi, tôi nhận thấy rất nhiều chuyên gia lên tivi, rồi báo chí nói dịch nguy hiểm thế nọ, thế kia một cách liên tục, có phần hơi thái quá. Theo tôi, cần phải nói cách xử lý cho dân, xem một sản phẩm gia cầm cần xử lý như thế nào cho an toàn, chứ toàn đưa ra “dọa” như cách làm bây giờ là không ổn.

Còn về vấn đề nhập vaccine, tôi cho rằng quy trình của chúng ta hiện đang có vấn đề. Lý do là, toàn bộ khâu nhập vaccine đến việc cấp phép cho nhập, rồi đánh giá, sử dụng đều do Cục Thú y làm hết. Đúng ra chúng ta cần có hội đồng thẩm định chất lượng vaccine, cụ thể ở đây cần giao cho Viện Thú y làm, nhưng bây giờ người ta giao hết cho Cục Thú y là không ổn. Bởi đến khi gia cầm tiêm vaccine rồi mà vẫn bị dịch thì không có ai thẩm định được chất lượng cả.

Theo ông, dịch CGC diễn ra lần này có bất ngờ không và cách chúng ta thông tin về ổ dịch, nghĩa là chỉ ở một thôn, xã nhưng lại tính cho cả tỉnh có chính xác không. Đây có phải là nguyên nhân chính dẫn tới việc dư luận hoang mang, không dám sử dụng sản phẩm gia cầm?

- Tôi xin nhắc lại, đúng là có dịch thì chúng ta phải cảnh báo. Song không phải cứ lên tivi, báo chí bình luận, cảnh báo thế này, thế kia, mà họ cần có sự khẳng định xem việc sử dụng gia cầm trong thời điểm này có được hay không. Riêng ở nước ta, việc xảy ra dịch CGC là chuyện bình thường, không xảy ra mới là lạ. Bởi mạng lưới thú y thôn, bản của chúng ta hiện quá mỏng, thậm chí có thôn, bản còn không có cán bộ thú y, trong khi đó đây lại là mạng lưới quan trọng nhất, bởi vấn đề của thú y là phải ở thôn, bản.

Mặt khác, chúng ta cũng không nên đếm ổ dịch theo đơn vị tỉnh, mà cần thông báo là bao nhiêu điểm có dịch.

Xin cảm ơn ông!

Ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y:Đã có sự tuyên truyền quá đà!

Trao đổi với phóng viên NTNN hôm qua (28.2), ông Đàm Xuân Thành- Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: “Trên trang mạng của Cục Thú y, trong các ngày vừa qua đã liên tiếp cập nhật thông tin về dịch CGC. Hơn nữa, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã có chỉ đạo, việc tuyên truyền cần công khai, minh bạch, không được chủ quan, nhưng cũng không để người dân hoang mang. Trên mạng Cục Thú y hàng ngày có cập nhật thông tin thường xuyên và đánh giá rất đầy đủ về tình hình dịch”.


Về dư luận cho rằng, ngành thú y đang có dấu hiệu ‘thổi phồng” dịch quá mức, ông Thành cho rằng: “Quan điểm của Cục từ trước đến nay đều tuyên truyền đúng, đủ. Vừa qua, một số đơn vị truyền thông đã đưa thông tin có sự biến chuyển virus mới. Nhưng làm gì có virus mới, như vậy là làm hoang mang người dân. Đây là một nhánh virus, từng xuất hiện ở miền Bắc, miền Trung, nay do có sự vận chuyển gia cầm nên các nhánh virus này đã vào miền Nam...”.


Về việc giá gia cầm giảm là do ảnh hưởng của thông tin từ dịch CGC, ông Thành nói: “Trong công điện của Thủ tướng, vấn đề tuyên truyền là hết sức cần thiết, để bà con, kể cả chính quyền cơ sở không chủ quan. Tuy nhiên, tuyên truyền phải đúng, đủ, công khai minh bạch, rõ ràng, không thể làm theo kiểu đăng tít giật gân như bùng phát, lan tràn dữ dội... Tuyên truyền phải vừa đúng, vừa không để người dân hoang mang, chủ quan, đồng thời khuyến cáo người dân cần sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, qua kiểm tra kiểm soát, được chế biến an toàn...”.
Thanh Xuân

Ông Nguyễn Nha (xã Suối Rao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu):Trang trại lớn cũng cần hỗ trợ


Hiện nay, để phòng chống dịch cúm gia cầm, Chính phủ có cung cấp vaccine cho những hộ chăn nuôi nhỏ. Trên thực tế, tôi thấy nhiều hộ có được nhận vaccine nhưng không sử dụng vì đàn gà ít, không đáng kể. Ngược lại, những hộ chăn nuôi lớn, có nhu cầu tiêm phòng đầy đủ thì không được hỗ trợ gì, phải tự bỏ tiền ra mua vaccine cho đàn gia cầm. Do đó, theo tôi, Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ tiêm phòng bệnh cho các trang trại lớn. Vì chăn nuôi trang trại chính là xu hướng của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Chị Nguyễn Thị Liên(xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội):Kích cầu vốn, hạ giá thức ăn


Người chăn nuôi quy mô lớn như chúng tôi đang chịu áp lực từ việc thiếu vốn, phải vay vốn với lãi suất cao trong khi đó thủ tục vay không hề đơn giản. Theo tôi để “cứu” người dân lúc này, Nhà nước cần hỗ trợ cho người dân vay vốn với lãi suất thấp, kỳ hạn dài, đồng thời kìm hãm, từng bước hạ giá thành nguyên liệu, giá thức ăn, đồng thời hỗ trợ người dân trong công tác tiêu thụ.

Ông Đỗ Tấn Công (xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam):Đừng để nông dân tự bơi


Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi, chứ đừng để các trang trại “tự bơi” khi xảy ra dịch cúm. Chẳng hạn đối với những trang trại lớn có phòng chống dịch bệnh tốt cần phải cấp một giấy chứng nhận gà đảm bảo an toàn phòng dịch. Khi có chứng nhận này các trang trại không còn bị các thương lái ép giá khi các nơi xảy ra dịch, mà nơi mình không có dịch. Ngoài ra, trách nhiệm của những cơ quan chuyên ngành cần phải tìm hiểu trang trại cần gì, chứ lâu nay ít thấy các ngành chức năng đến xem trang trại hay giúp trang trại phát triển.
Thuận Hải - Trương Hồng - Việt Tùng (ghi)