Đây là một trong những điểm mới tại Quyết định số 18/2014/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg về tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Các hộ gia đình ở nông thôn có thể vay tới 6 triệu đồng/hộ để xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường.
Theo quy định mới, các đối tượng được hưởng tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn gồm: Hộ gia đình định cư hợp pháp tại địa phương thuộc khu vực nông thôn chưa có nước sạch hoặc đã có nhưng chưa đạt quy chuẩn, chưa bảo đảm vệ sinh; Hộ gia đình sau khi đã trả hết nợ vốn vay, có nhu cầu vay mới để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã sử dụng nhiều năm, bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Các hộ phải có đơn xin vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường; có cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ đúng hạn và được chính quyền cấp xã xác nhận. Với mỗi loại công trình, các hộ được vay tối đa là 6 triệu đồng/hộ (mức tối đa trước đây là 4 triệu đồng). Việc xử lý rủi ro và lãi suất cho vay thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ theo từng thời kỳ.
Trong thời gian chưa trả hết nợ, hộ dân không được tự động bán, chuyển nhượng, cầm cố công trình cho người khác. Trường hợp các hộ dân bán, chuyển nhượng nhà, đất có chung hoặc có riêng các công trình này thì phải có cam kết trả nợ (gốc và lãi), được UBND và Ngân hàng Chính sách xã hội xác nhận với nguyên tắc người bán phải trả được nợ.
Các tổ chức kinh tế là chủ đầu tư các dự án đầu tư mới hoặc nâng cấp, cải tạo các công trình cấp nước sạch thuộc khu vực nông thôn được Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo quy định về chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước hiện hành.