Ông An cho biết:
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã ban hành 2 chỉ thị về chuẩn bị hàng hóa Tết và bình ổn thị trường gửi về các Sở Công Thương- đơn vị chủ trì thực hiện bình ổn thị trường Tết tại các địa phương. Đến nay, hầu hết các địa phương đã có kế hoạch triển khai bình ổn thị trường Tết. Các mặt hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân dịp Tết chủ yếu là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết.
Đơn cử một số tỉnh như Yên Bái đã có số lượng đặt hàng Tết cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng khó khăn với tổng trị giá 7 tỷ đồng. Lào Cai cũng đã chuẩn bị lượng hàng hóa rất phong phú, thậm chí tỉnh này còn dự trữ xăng dầu, gas với tổng giá trị hàng hóa lên tới 58,5 tỷ đồng và dự trữ 60 tấn gạo...
Vừa qua, nhiều chương trình bình ổn giá của các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đã không bình ổn nổi giá thì với các vùng nông thôn, miền núi sẽ ra sao, nhất là trong dịp Tết?
- Hà Nội đã triển khai bình ổn giá tại 30 điểm ở khu vực nông thôn, đến Tết sẽ tổ chức tiếp 30 điểm nữa ở các xã, thậm chí họ còn có kế hoạch đưa các xe lưu động bán hàng Tết cho người dân vùng nông thôn nếu nơi nào có tình trạng giá tăng cao. Mục tiêu của chúng ta là không để sốt hàng, sốt giá, kể cả sốt cục bộ.
Giá lương thực, thực phẩm tại các vùng nông thôn được dự báo sẽ ít biến động trong dịp Tết (Chụp tại chợ Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). |
Nếu không có các chương trình dự trữ hàng hóa để bình ổn giá thì trong bối cảnh vừa qua, tư thương chắc chắn sẽ găm hàng và đẩy giá lên. Do vậy, từ nay đến Tết, yêu cầu đặt ra là khi xảy ra thiếu hàng cục bộ, các địa phương sẽ có hàng đưa ra bán ngay cho người dân, không để sốt giá. Mục tiêu của chúng tôi là điều phối tốt nguồn cung, tránh thiếu hàng khiến giá tăng.
Những ngày qua, giá cả đã tăng cao, vậy làm sao các địa phương có thể đảm bảo việc không tăng giá ở các vùng nông thôn, miền núi trong dịp Tết?
- Giá cả đang tăng mạnh tại các thành phố lớn chủ yếu là hàng thực phẩm, nhưng tại các vùng nông thôn, miền núi hiện nay nhóm hàng này hầu như không tăng hoặc tăng rất ít. Đặc thù của các vùng nông thôn, miền núi là người dân đều có tăng gia sản xuất để tự cung cấp lương thực, thực phẩm nên rõ ràng việc tăng giá ít tác động đến họ.
Thực tế, thời điểm hiện tại, một số vùng như Tây Nam bộ, giá thịt lợn chỉ khoảng 50.000-60.000 đồng/kg, trong khi tại Hà Nội là 95.000-100.000 đồng/kg. Rau xanh cũng vậy, hầu hết các vùng nông thôn đều không có việc giá rau tăng mạnh. Các địa phương chỉ lo giá bánh kẹo, rượu bia, chất đốt, xăng dầu, hàng tiêu dùng... tăng nên việc trữ hàng và bình ổn giá sẽ nhắm vào các mặt hàng này.
Thực tế, chi phí vận tải hàng hóa đến với những vùng sâu, vùng khó khăn thường rất cao. Đây có phải là yếu tố góp phần làm tăng giá hàng hoá?
Ông Nguyễn Lộc An
- Với các vùng đặc thù như vậy thì các địa phương đều đã có kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm; thậm chí ngoài các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, thương nhân đưa hàng về vùng sâu, xa, khó khăn của T.Ư, thì hầu hết ngân sách địa phương cũng đã lên kế hoạch hỗ trợ họ đưa hàng về, nên không lo có việc lợi dụng khó khăn về vận chuyển để tăng giá hàng hoá.
Các mặt hàng khác như xăng dầu, điện, than... thì theo chỉ đạo của Chính phủ là sẽ giữ giá từ nay đến hết Tết Nguyên đán nên chắc chắn không có chuyện giá các mặt hàng này tăng lên trong dịp Tết.
Nói chung với những vùng đặc thù nông thôn, miền núi khó khăn, Bộ Công Thương đã yêu cầu các Sở Công Thương phải đặt trọng tâm tham mưu cho các tỉnh để đảm bảo không xảy ra thiếu hàng, tăng giá cho người dân.
Thưa ông, người dân vẫn lo dịp Tết sẽ là dịp hàng hết đát, quá đát, hàng kém chất lượng được đẩy về nông thôn...
- Chúng tôi đã giao cho các Sở Công Thương tham mưu cho các tỉnh triển khai chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.
Theo đó, các địa phương sẽ hỗ trợ tiền vận chuyển cho các doanh nghiệp đưa hàng hóa chính hãng, đảm bảo chất lượng về bán cho bà con. Hay là hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng về bán với giá gốc không qua trung gian; qua đó “đánh” lại hàng giả, hàng nhái, hàng kém phẩm chất.
Hai là, chúng tôi đã yêu cầu các chi cục quản lý thị trường địa phương phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại.
Ngoài ra, theo chủ trương của Bộ Công Thương, tỉnh nào cũng phải tổ chức 1-2 chuyến đưa hàng Việt về đến tận xã, huyện trong dịp Tết Nguyên đán này, ví dụ các tỉnh Đăk Nông, Lạng Sơn... đang làm rồi. Đây cũng là giải pháp chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả.
Xin cảm ơn ông.
Mai Hương (thực hiện)