Với tên gọi 'Introducing about myself and my vlog series', Đỗ Nhật Nam đã giới thiệu các thông tin cá nhân (tên gọi, tới từ đâu, học lớp mấy) và sở thích của mình.
Đỗ Nhật Nam trong Vlog bằng tiếng Anh đầu tiên của mình
Trong đó, cậu bé còn bày tỏ ý định sắp tới sẽ thực hiện hàng loạt vlog thể hiện quan điểm về các vấn đề xã hội như sự nóng lên của trái đất hay Internet ảnh hưởng đến cuộc sống của con người như thế nào.
Từng đạt 8.0 IELTS và 107 điểm TOEFL IBT, Nhật Nam còn muốn làm vlog để chia sẻ bí quyết học tiếng Anh của mình.
Mặc dù được thực hiện từ tháng 8.2013, nhưng gần đây vlog này lại trở thành tâm điểm gây tranh luận của dân mạng bởi Đỗ Nhật Nam sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Một số thành viên cho rằng cậu bé này Đỗ Nhật Nam nên làm phụ đề tiếng Việt để giúp người xem không biết tiếng Anh dễ dàng tiếp cận nội dung. Thậm chí, nhiều ý kiến còn lên án gay gắt cậu bé và cho rằng đây là hành động khoe mẽ khả năng.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn bảo vệ Nhật Nam, dành cho em những lời khen ngợi bởi sự tự tin, tài năng nói tiếng Anh trôi chảy, rõ ràng và lên tiếng chỉ trích các bình luận tiêu cực với mục đích "ném đá", hạ nhục cậu bé này.
Chia sẻ về hiện tượng này, tiến sĩ tâm lý Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Xã hội học) bất ngờ khi câu chuyện đã lâu tại sao mọi người lại đưa ra mổ xẻ.
"Chúng ta luôn đòi hỏi sự toàn bích, chuẩn mực. Thực ra, người ta trách cứ nói tiếng Anh không có phụ đề tức là đòi hỏi bạn đó sản xuất chương trình truyền thông thật chuẩn mực. Đặt vấn đề như vậy chứng tỏ họ đòi hỏi không phải vô lối, ghê gớm, đặc biệt. Nhưng đây chỉ là sản phẩm cá nhân của một cậu bé, không phải một người sản xuất chương trình chuyên nghiệp, tôi nghĩ không nên đòi hỏi như vậy", TS Trịnh Hòa Bình đưa ra quan điểm.
Nếu em không đưa ra được các sản phẩm truyền thông chuẩn mực như vậy, độ lan tỏa, tính phổ quát sẽ bị hạn chế. Nhưng nếu điều đó xảy ra thì tự bản thân Nhật Nam sẽ chịu trách nhiệm, không có gì phải bàn cãi.
TS Bình cũng không quên đưa ra lời khen dành cho Nhật Nam: "Việc làm của Đỗ Nhật Nam đáng khuyến khích hơn là chửi bới, "ném đá". Bản thân những người này chắc gì đã sản xuất được sản phẩm truyền thông như vậy. Có thể, xuất phát từ sự ghen tị, đố kị được núp bóng dưới chiêu bài đòi hỏi những người khác phẩn chuẩn mực, chỉnh chu".
Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc dư luận có nhiều ý kiến trái chiều là cách để Nhật Nam chín chắn, đa dạng, bản lĩnh hơn khi giao tiếp.
Vlog vốn là một sản phẩm cá nhân với mục đích chia sẻ thông tin, quan điểm của bản thân dưới dạng video. Như vậy, việc cậu bé Đỗ Nhật Nam sử dụng tiếng Anh trong vlog này là quyền cá nhân và đáng được tôn trọng.