Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) phân tích rõ: Không thể chỉ dựa vào một lời khai của
Dương Chí Dũng để cho rằng
“ông anh” ở một cơ quan tố tụng đã báo tin.
Hai anh em Dương Chí Dũng (trái) và Dương Tự Trọng tại tòa. IT
Việc này cần được xác minh theo trình tự, ví dụ Dương Chí Dũng khai
về việc liên lạc qua điện thoại báo tin, phải kiểm tra các list điện
thoại liên lạc với nhau theo ngày nào, giờ nào. Rồi có thể lời khai của
người làm chứng khác…
Khi các tài liệu khớp với lời khai thì lúc
đó mới có giá trị chứng cứ. Trường hợp cơ quan tố tụng xác minh lời
khai của Dương Chí Dũng là đúng thì ngoài hành vi làm
lộ bí mật công
tác, có thể còn xác định thêm loại tội phạm khác từ việc làm rõ động cơ,
mục đích của người đã báo tin.
Trong trường hợp lời khai của Dương Chí Dũng được xác minh là không có căn cứ, cơ sở, sẽ rất khó xử lý về hành vi khai báo gian dối được. Bởi động cơ, mục đích của khai báo gian dối ở đây không phải nhằm để thoát tội hay đổ cho người khác để trốn tránh trách nhiệm.
Hai tội danh mà Dương Chí Dũng bị kết án tử hình là ở giai đoạn trước đó, việc khai báo ra người báo tin để bỏ trốn không nằm cùng chuỗi hành vi của 2 tội trên và cũng không làm giảm nhẹ được hình phạt.
Còn luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) thì cho rằng: Trong vụ án xử
Dương Tự Trọng và đồng phạm, Dương Chí Dũng với tư cách người làm chứng đã khai ra người báo tin cho mình
để trốn. Chính vì tình tiết này, nên tòa án đã khởi tố vụ án làm lộ bí mật công tác theo Điều 286 Bộ luật Hình sự.
Theo quy định của Luật Tố tụng hình sự, lời khai của bị can, bị cáo, bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khi chưa được xác minh mới chỉ là dấu hiệu. Lời khai của người đó trở thành chứng cứ khi nó đã được xem xét, đối chiếu, thấy phù hợp với các chứng cứ liên quan khác.
Vì nhiều lý do có người thì khai ngay từ giai đoạn điều tra vụ án, có người ra tòa khai, thậm chí có trường hợp sắp thi hành án mới khai, nhưng dù ở giai đoạn nào thì nó đều có giá trị giống nhau và được cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, nếu thấy có dấu hiệu hình sự thì khởi tố vụ án điều tra.
Điều 104 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện Kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra lại. Rõ ràng trong vụ án
sai phạm ở Vinalines, việc Dương Chí Dũng biết được mình bị khởi tố, lệnh bắt giam thì phải có người báo tin để trốn. Và khi Dương Chí Dũng khai rõ tên người báo tin đó là tình tiết phát sinh, cần được làm rõ.
Dương Chí Dũng có nghĩa vụ tố giác tội phạm Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh: Việc Hội đồng xét xử đã khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước căn cứ vào lời khai của nhân chứng Dương Chí Dũng tại phiên xét xử Dương Tự Trọng là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật về tố tụng hình sự theo Điều 100, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
Trong trường hợp này, căn cứ vào lời khai của Dương Chí Dũng, Hội đồng xét xử đã xem xét và nhận thấy có dấu hiệu tội phạm và có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, chính vì vậy Hội đồng xét xử đã khởi tố vụ án hình sự ngay tại phiên tòa. Điều này chứng tỏ lời khai trên là có căn cứ, chúng ta không nên đặt ra tình huống lời khai của Dương Chí Dũng là không đúng trong trường hợp này. Bởi tố giác tội phạm là nghĩa vụ của công dân. Không có chế tài nào đối với Dương Chí Dũng trong trường hợp này.
Thắng Quang (ghi)
|