Cây kiểng ngày nay không chỉ là thú chơi
tao nhã của lớp người lớn tuổi, nhiều tiền mà đã lan nhanh sang mọi tầng lớp
trong xã hội, từ công chức, lao động bình thường đến bác nông dân (trồng tại
nhà), tuỳ theo sở thích mà tậu cho mình một chậu kiểng vừa ý nhất để đón Tết đến
xuân về.
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, cuộc sống người dân sung túc hơn, nhu cầu chơi cây cảnh, cây kiểng
ngày càng nhiều…Nghề trồng cây kiểng của các nghệ nhân cũng hoà mình vào cơ chế
đó, từ những chậu kiểng quí được bán với giá rất cao, cho đến những giỏ hoa: cẩm
chướng, vạn thọ, cúc vàng chỉ vài mươi ngàn đồng.
Vài năm gần đây, không hiếm cảnh trước nhà trồng nhiều loại hoa kiểng, bên trong những hàng rào là dàn bông hồng gai, dâm bụt, được cắt tỉa rất công phu, khéo léo, trước mái hiên trước nhà treo lũng lẳng mấy giò phong lan, trên bang công vài chậu cần thăng, mai vàng…Còn các nhà hàng, khách sạn đều ưa chuộng thú chơi với dáng cây thiên tuế, vạn tuế, thơm dầu…
Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức
hoa cây kiểng, nghề này cũng phát triển khá mạnh với nhiều chủng loại phong phú,
nên tha hồ cho khách lựa chọn thưởng thức chiêm ngưỡng, ý thích: Tùng Nhật,
sung kiểng, thiên tuế, mai nhiều cánh…giá cả từ mềm đến cứng, tuỳ theo loại và
giá trị nghệ thuật của cây kiểng. Nói về một số loài cây có nhiều tên gọi: vạn
tuế, sơn tuế, thơm dầu…loại cây rất dễ sống, chịu đựng mùa khô, nắng nóng phù hợp
với mọi điều kiện thổ nhưỡng cho nên rất dễ trồng.
Trước đây một số người đã đào
chồi gốc cây con đưa về họp chợ Tết, bán làm cây cảnh càng nhỏ gọn càng tốt, thích
hợp cho từng gia đình trong khuôn viên chặt hẹp ở đất đô thị, cây nào cao lắm
thì cũng chỉ không vựơt qua một mét (càng thấp càng có giá trị thẩm mỹ và nghệ
thuật) tính từ gốc và có nặng cũng không đến 25 kg.
Nhưng nay, các loài cây này đã thay đổi lạ thường theo phong trào chơi cây cảnh. Còn mai vàng cũng vậy tuỳ theo mai gốc hay chiết, ghép, tháp bo, cánh nhiều hay bông ít, thế cây có dáng, cao hay thấp…Nói chung việc mua bán cây kiểng không cố định, tuỳ theo thời vụ và phong trào của người chơi cây kiểng.
Vào những ngày này tôi có dịp đến chợ hoa Tết các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Tại T.P Bến Tre - xứ sở của hoa dọc theo các tuyến đường chính nhà nào cũng chặt kín chậu kiểng đủ loại trước sân. Ông Nguyễn Văn Thanh (xã Long Thới – Chợ Lách – Bến Tre) một nghệ nhân chuyên sản xuất cây kiểng ở Cái Mơn tâm sự: “Làm nghề cây kiểng cũng lắm công phu, cực lắm, cả ngày ở ngoài vườn, đầu tắt mặt tối, thậm chí còn ngủ trong vườn, nhưng vẫn cứ phải nhờ ông trời, nếu trời mưa cuối năm mà dai quá làm ngập úng vườn gây thiệt hại không nhỏ cho người trồng kiểng, ngày tết bán được, lời khá, nếu không bán được lỗ như chơi”.
Muốn có một cây cảnh đẹp phải có sự tham gia của các hoạ sĩ nghệ nhân để định vị
trí mà đặt sao cho có ý nghĩa đẹp mắt, đòi hỏi các nghệ nhân cần phải bền chí
nhẩn nại, nên họ lao động suốt năm, mùa mưa là thời gian chăm sóc, bón phân, tỉa
cành, tạo dáng, để có những sản phẩm đẹp tô đẹp cho đời.
Dưới nắng Xuân ấm áp Giáp Ngọ, nghệ nhân Lê Văn Hào ở câu lạc bộ cây hoa cảnh T.P Cần Thơ đang tất bật chăm sóc những cây mai vàng tham gia chợ Tết tại bến Ninh Kiều (T.P Cần Thơ) nói: “Cái nghề trồng cây kiểng này được cha ông truyền lại, ngoài sự lệ thuộc vào thời tiết, còn có bí quyết nghề nghiệp, nên tất cả những hương sắc của hoa làm đẹp cho đời là dư vị cuộc sống của tôi. Thật ra, nghề này cũng không dễ ăn, đòi hỏi vốn khá lớn và có thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước”.
Khó khăn bấp bênh là vậy, nhưng những người làm đẹp cho đời vẫn không nản. Họ vẫn âm thầm ngày ngày cặm cụi chăm chút cho từng giỏ hoa, cây kiểng làm đẹp thêm cuộc sống vốn đã rất sôi động. Tạm biệt các chợ hoa, cây kiểng khu vực ĐBSCL Tết Giáp Ngọ với chút gió lạnh hanh hanh, đất nước vào Xuân bao ước vọng… Hoa của đất, nhưng lại làm đẹp thêm biết bao nhiêu cho cuộc đời này.