Quán café mang tên chị nằm trên đường Cửu Long, Tp. HCM. Nơi đây hội tụ đầy đủ nét văn hóa vùng cao nguyên: các loại cồng chiêng, vách tre, bàn gỗ, vải thổ cẩm, những chiếc áo dệt từ vỏ cây… Tất cả nhân viên đều là người cùng làng, Siu trò chuyện với họ bằng tiếng Ban a, nghe líu ríu và lạ lẫm.
Cấm con trai thi Vietnam Idol
Siu không phải là mẫu ca sĩ có thể hát được nhiều dòng nhạc khác nhau. Thế nhưng, điều đó giải mã rằng khó có ai hát hay hơn những bài hát Siu đã thể hiện thành công.
Trên sân khấu, Siu như một bà hoàng, thể hiện uy lực bằng giọng hát. Đó chính là món quá đặc biệt của núi rừng đại ngàn dành cho người đàn bà “không đẹp mà rất đẹp” này.
Người ta ví Siu giống Susan Boyle trong Britain’s Got Talent. Một phụ nữ cục mịch, tuổi gần 50 nhưng khi cất tiếng hát, khán giả toàn thế giới nín lặng và có thể bật khóc bất cứ lúc nào.
Siu không truyền cho khán giả những nỗi niềm yếu mềm, những vuốt ve dịu ngọt. Chị truyền cho người nghe lạc quan sống, tình yêu đời, sự mạnh mẽ và nghị lực.
Đặc biệt, khán giả thích nghe Siu hát trên sân khấu hơn nghe đĩa. Chị cũng đồng ý với nhân xét trên và cho rằng: “Khi vào phòng thu, ca sỹ bị gò bó theo kỹ thuật nên nghe có vẻ không “đã” như hát trên sân khấu”.
Nói đến đây rồi chợt nhớ điều gì, Siu bất ngờ vỗ bàn bảo: “Thế nhưng đó chỉ là chuyện ngày trước thôi. Bây giờ chị đã biết cách để thu giọng hát nghe “đã” như trên sân khấu rồi!”. Vừa nói chị vừa cười sảng khoái.
Khi được hỏi: “Khán giả thắc mắc tại sao ít thấy Siu hát nhạc trữ tình. Vậy chị có ý định thử nghiệm không?”. “Cũng có thể lắm chứ!”, Siu nháy mắt và cười.
Ở ngoài đời, Siu dễ tính, cái gì qua được, cho qua, không chấp nhặt. Thế nhưng khi đã dấn thân vào sự nghiệp ca hát, phải thật nghiêm túc và tỉnh táo.
Nhiều người nói con trai Siu hát hay, đáng ra phải thi Vietnam Idol mới phải. Nghe vậy, chị giải thích dù không phải là giám khảo cuộc thi, mình cũng không đồng ý để con đi thi.
Siu bảo: “Con trai mình hát hay hơn nhiều bạn, nhưng chị cấm. Chị nghĩ đã là ca sỹ phải nổi tiếng, còn hát chơi thì karaoke là đủ rồi”.
Thật ra chị không thích con trai theo nghề ca hát. Chị muốn con theo học ngành nào thực tế hơn. Siu ví von: “Chị hay đùa, nếu con nổi tiếng bằng mẹ hoặc đứng sau mẹ một ít thì mới nên theo nghề. Thế là cậu ta lại thôi”.
Dù lẻ bóng, vẫn không thấy cô đơn
Cuộc sống của Siu Black bây giờ chỉ gói gọn trong việc đi hát, làm giám khảo, đóng phim, kinh doanh quán cà phê và chăm sóc con.
Siu bảo, quay qua quay lại bao nhiêu đó việc cũng hết một ngày. Cuộc sống cứ cuốn đi đến nỗi chị không còn thời gian để nghĩ ngợi nhiều. Người đàn bà đã bước qua nửa cuộc đời, bước qua cuộc hôn nhân tan vỡ đã không còn vương vấn hình bóng của bất kỳ người đàn ông nào.
Trong khoảng 5 năm vừa qua, chị sống độc thân. Không ít người đàn ông cũng bày tỏ tình cảm với chị, nhưng mọi thứ vẫn chưa đi đến đâu. Tôi thắc mắc: “Do chị chưa chấp nhận hay người ta không đủ kiên nhẫn chờ đợi chị?”.
“Bạn bè vậy mà hay hơn em à. Những lúc rảnh rỗi, chị nghe nhạc để có thể nắm bắt thị hiếu âm nhạc của khán giả. Chị thấy, cuộc sống như vậy khá thoải mái và vui vì điều đó”.
Nói đến đây chị cười hào sảng và không quên hỏi lại: “Đúng không em?”.
Lát sau, chị quay về phía căn phòng có mấy cậu thanh niên đang trò chuyện. Chị chỉ con trai út cho tôi thấy. Siu chỉ con trai út cho tôi thấy. Siu bảo, con trai cả hiện sống với ba, học ngành cơ điện. Còn con trai út ở với chị, học công nghệ thông tin.
“Nhà có hai mẹ con, mỗi khi có việc phải về khuya, chị đều điện thoại dặn con trai ngủ sớm, đừng chờ mẹ. Nói vậy chứ lần nào về cũng thấy nó thức chờ cửa. Mỗi khi đi diễn xa, con lại gọi hỏi: Tối nay mẹ có về không? Nếu chị trả lời: Mẹ về chứ, thế nào cu cậu cũng chờ, không kể giờ giấc”, chị thổn thức.
Người ta bảo Siu đã quá tuổi nên chuyện yêu đương giờ quá xa xôi. Cứ ngỡ bên cạnh chị không còn bóng dáng người đàn ông nào để nương tựa.
Thế nhưng sau mỗi đêm diễn, dù một mình lẻ bóng trên đường về, chị vẫn không cảm thấy cô đơn.
Siu bảo: “Vẫn còn một người đàn ông chờ chị ở nhà cơ mà”.