Trong quá trình thăm khám, bác sĩ thấy bệnh nhi T có các biểu hiện sốt nhẹ, chẩn đoán viêm phế quản phổi. Do đó, các bác sĩ đã chỉ định mổ sau 1 tháng. Tuy nhiên, bố mẹ bệnh nhi không chịu, cho rằng các bác sĩ gây khó dễ cho con mình nên đã gây rối, uy hiếp các bác sĩ, đòi mổ cho con bằng được.
PGS-TS Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, sức khỏe của trẻ không đủ để chịu đựng ca phẫu thuật, nhưng bố mẹ lại không chịu hiểu, cho rằng con chỉ ốm xoàng.
Phẫu thuật nụ cười cho trẻ tại Bệnh viện Việt Nam - Cuba (Hà Nội).
Các đợt phẫu thuật nụ cười, bác sĩ cũng phải giải quyết nhiều ca oái oăm. Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình-hàm mặt (Bệnh viện Việt Nam - Cuba, Hà Nội) cho biết, trong các chuyến đi phẫu thuật nụ cười tại các vùng nông thôn, ông đã gặp nhiều trường hợp cha mẹ đòi mổ cho con bằng được, bất chấp sức khỏe của con.
Người dân vì mong muốn con được phẫu thuật nên thường giấu tiền sử bệnh của con. Có đứa trẻ bị hen, nhưng bố giấu nhẹm, trước khi phẫu thuật còn cho con xịt thuốc chống hen nên bác sĩ không phát hiện ra. Đến lúc lên bàn mổ, khi gây mê, đứa trẻ bị co thắt phế quản đột ngột khi đặt ống nội khí quản trước cuộc mổ, tính mạng bị nguy hiểm.
Lại có em bé tiền sử bệnh tim hoặc cả nhà bị chứng máu khó đông nhưng cũng được bà mẹ đưa đến nằng nặc xin mổ. Nhiều nhất là các trường hợp bố mẹ khai sai tháng tuổi của con để được mổ bằng được, vì sợ đoàn phẫu thuật từ thiện đi thì con không còn cơ hội mổ.
“Để đảm bảo sức khỏe cho bé, chúng tôi giới hạn mổ sứt môi là trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và mổ hàm ếch phải đủ 18 tháng tuổi trở lên. Khi phẫu thuật, trẻ sẽ mất một lượng máu đáng kể, nếu trẻ quá nhỏ, thì sẽ không đủ lượng máu cần thiết để duy trì sự sống.
Nếu không đủ tháng, trong quá trình mổ nếu xảy ra chảy máu, cần truyền máu thì ở các bệnh viện tỉnh sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, khi mổ cần gây mê nên nếu trẻ không đủ tháng tuổi, đủ cân sẽ rất nguy hiểm” - bác sĩ Thái cho biết.