Buổi làm việc diễn ra tại nhà văn hóa, theo giấy có ghi cơ quan là Bộ Công an. "Có 3 cán bộ về, họ không mặc quân phục, mỗi người mang một chiếc cặp, phía gia đình tôi gồm bố, bà nội và tôi cùng được mời làm việc. Chúng tôi có hỏi họ nói: Khi làm việc một cán bộ hỏi bố, một người hỏi bà và một người hỏi tôi, họ đặt câu hỏi, chúng tôi trả lời" - anh Nguyễn Chí Quyết (SN 1982) cho hay.
Vẫn theo anh Quyết, làm việc với anh, vị cán bộ có hỏi về quãng thời gian bố anh đi bao nhiêu lâu, rồi thời gian khám nhà... "Tôi trả lời không nhớ được, chỉ nhớ ngày cuối cùng bố đi rồi bị bắt giam không thấy về thôi" - anh Quyết nói.
"Về phía bố tôi, họ hỏi từ lúc anh đi, anh nhớ những gì, ai làm gì anh, ai bắt anh viết, ai dọa anh, ai thực tập cùng với anh, thực tập ở căn phòng nào, địa điểm nào..., nói chung hỏi nhiều lắm, thời gian kéo dài cả buổi sáng nhưng vẫn chưa xong. Chúng tôi trả lời đến đâu ký tên kiểu đánh dấu ở đó, chương trình làm việc còn được tiếp tục" - anh Quyết kể lại.
Ông
Nguyễn Thanh Chấn (ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) là người nổi tiếng bởi vụ án oan 10 năm ngồi tù mà ông là nạn nhân. Ông Chấn bị 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm kết án tù chung thân về tội giết người. Tuy nhiên hung thủ thực sự lại là
Lý Nguyễn Chung (SN 1988) ở Lạng Sơn, thời điểm Chung phạm tội là đang ở cùng thôn Me với ông Chấn, lúc gây án Chung mới hơn 15 tuổi.
Sau khi xuất hiện tình tiết mới trong vụ án, ông Chấn được tạm tha để về quê, phía Viện KSND Tối cao đã kháng nghị tái thẩm vụ án
Nguyễn Thanh Chấn. Ngày 6.11.2013, Hội đồng Thẩm phán (TAND Tối cao) đã tuyên hủy bản án của 2 phiên tòa phúc thẩm và sơ thẩm đối với ông
Nguyễn Thanh Chấn.
Đến ngày 25.1, đại diện Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã về quê ông Chấn đọc quyết định đình chỉ bị can đối và ông Chấn chính thức thành người vô tội. Hiện ông Chấn và gia đình đang nhờ luật sư tư vấn để yêu cầu TAND Tối cao bồi thường cho quãng thời gian ngồi tù oan 10 năm.