Dân Việt

Nhà sử học Dương Trung Quốc: 'Đừng vội kết luận môn sử bị lãng quên'

Phong Vũ (thực hiện) 08/03/2014 13:34 GMT+7
NTNN số 57 có bài phản ánh về tình trạng học sinh không chọn thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử, một số ý kiến cho rằng môn học này sẽ dần bị lãng quên. Ngày 7.3, PV NTNN đã có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc  để làm rõ vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về thái độ thờ ơ đối với môn lịch sử của phần lớn học sinh hiện nay?

- Là người nghiên cứu lịch sử lâu năm, trước tiên tôi có thể khẳng định rằng lịch sử phải học cả cuộc đời mình, không chỉ là những điều trong sách. Nói về ngành của mình, chúng tôi rất “e ngại” khi học sinh luôn coi môn học này là môn học thuộc lòng, các em học với thái độ đối phó mà không hề nhận ra những giá trị cuộc sống mà môn học này mang lại.

Nhà sử học Dương Trung Quốc
Nhà sử học Dương Trung Quốc

Quan điểm của ông về việc Bộ GĐĐT không đưa môn lịch sử thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay?

- Tôi thực sự cảm thấy đáng tiếc. Tuy nhiên, cũng phải cân nhắc đến nhu cầu của đời sống. Về điều này tôi nghĩ chúng ta không nên đứng ngoài phán xét cái sự đúng, sai trong quyết định của Bộ GDĐT mà nên có những cuộc điều tra vì ngành nào, môn học nào cũng có sự quan trọng của nó.

Nhiều em không chọn môn lịch sử thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Nhiều em không chọn môn lịch sử thi tốt nghiệp THPT năm 2014.

Theo thông tin ban đầu từ các trường, số học sinh đăng ký thi tốt nghiệp môn lịch sử rất ít. Liệu có phải môn lịch sử đang dần bị quên lãng?

- Đừng vội vã khẳng định rằng học sinh hiện nay đang quay lưng lại với môn lịch sử, đừng vội kết luận rằng môn học này đang dần bị lãng quên. Tôi rất chia sẻ với các em học sinh rằng đứng trước một ngưỡng cửa quan trọng trong cuộc sống của mình các em có quyền lựa chọn. Môn lịch sử là môn học khó và tôi nghĩ không chọn môn sử chỉ là các em đang lựa chọn một giải pháp an toàn. Kết quả chọn thi ít không nói lên rằng học sinh không yêu sử. Chúng ta cùng đợi một con số chính xác từ Bộ GDĐT. Tóm lại chưa có bằng chứng nào về việc môn lịch sử đang dần bị lãng quên.

Đứng trên góc độ là nhà nghiên cứu sử học, ông có thể đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng học tập môn lịch sử?

"Khi chúng ta triển khai phương thức thi mới của Bộ GDĐT thì suy nghĩ của các em học sinh mới là quan trọng, vấn đề còn lại thuộc về trách nhiệm của những người quản lý giáo dục và cả những người làm công tác nghiên cứu lịch sử như tôi. Tôi vẫn có niềm tin rằng các bạn trẻ sẽ không quay lưng lại với môn học này”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc.

- Nâng cao chất lượng dạy và học môn lịch sử là trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là nhà trường và toàn ngành giáo dục. Trong đó, người soạn thảo chương trình và người giảng dạy có trách nhiêm trực tiếp làm sao để chương trình giảng dạy bớt nhàm chán và thiết thực hơn. Thực tế chúng tôi nhận thấy học sinh “yêu” hay “ghét” môn lịch sử thường là do cách dạy của giáo viên. Nếu dạy hấp dẫn, sinh động, giúp các em hiểu học sử để làm gì thì chắc chắn học sinh sẽ không quay lưng.

Đây cũng là vấn đề mà Bộ GDĐT và những người làm sử học như chúng tôi đang rất quan tâm và đau đầu tìm giải pháp. Một bộ phận người học lịch sử hầu như không hiểu được giá trị môn học này, cho nên thay vì nhận định về quyết định của Bộ GDĐT thì nên đầu tư nhiều hơn cho giảng dạy môn học này.

Theo ông, có nên tiếp tục duy trì phương án thi này trong những năm tiếp theo không?

- Khi có một chủ trương chúng ta nên bình tĩnh nhìn nhận nó. Tôi nghĩ Bộ GDĐT sẽ chờ đợi kết quả của kỳ thi sắp tới để đưa ra quyết định đúng đắn cho những kỳ thi tiếp theo.

Xin cảm ơn ông!