Hoa mắt với phương án riêngĐể tránh thí sinh “ảo”, mùa tuyển sinh năm nay ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tiến hành sơ tuyển trước kỳ thi “3 chung” của Bộ GDĐT. Theo đó, từ ngày 24.2 – 15.3 thí sinh có thể đăng ký sơ tuyển trực tiếp trên web tuyển sinh của trường. Chỉ tiêu sơ tuyển dự kiến là 12.000 cho hai khối A và A1 và 1.000 cho khối D1. Điểm sơ tuyển gồm tổng điểm trung bình của 3 môn thuộc khối thi ở 5 kỳ học THPT (và 6 kỳ học đối với thí sinh thi lại). Thí sinh có tổng điểm trung bình 3 môn từ 21 trở lên là qua vòng sơ tuyển.
Không thi chung, thí sinh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cập nhật thông tin khối ngành mình định thi.
Đề án tuyển sinh mới của Trường ĐH Phan Châu Trinh cũng khá đặc biệt với nhiều điểm mới mang tính đột phá. Cụ thể, từ năm 2014 đến hết năm 2016 trường này sẽ tuyển sinh dựa trên 5 tiêu chí đánh giá gồm: Điểm thi ĐH theo “3 chung” - trong thời gian Bộ GDĐT còn áp dụng thi chung; điểm thi tốt nghiệp THPT có nhân hệ số với môn học theo khối ngành đăng ký; kết quả tổng kết 3 năm học phổ thông; kết quả kiểm tra khả năng tư duy của thí sinh và kết quả phỏng vấn trực tiếp của hội đồng tuyển sinh.
Mỗi tiêu chí chiếm tỷ trọng 20% điểm số (chấm 100 điểm). Nhằm kiểm soát chất lượng đầu vào, thạc sĩ Đỗ Thế - Phó Hiệu trưởng trường này cho biết, trường sẽ thiết lập 2 sàn gồm: Sàn sơ tuyển bằng tổng điểm của các tiêu chí 1 – 2 – 3 (tối thiểu đạt 24 điểm) và sàn xét tuyển bằng tổng điểm của cả 5 tiêu chí (tối thiểu 44/100 điểm)... sau đó tiến hành xét tuyển trong phạm vi chỉ tiêu được phép tuyển sinh từ trên xuống.
ĐH dân lập Hải Phòng lại có cách xét tuyển đặc biệt: Theo cặp môn thi. Cụ thể, điểm xét tuyển bằng điểm thi môn 1 + điểm thi môn 2 + điểm trung bình học tập môn 1 + điểm trung bình học tập môn 2. Các cặp môn thi được lựa chọn theo danh mục quy định của trường tùy thuộc vào các khối ngành. Tổng điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào hệ ĐH dự kiến là 17 điểm và hệ CĐ dự kiến là 14 điểm.
Thí sinh cần tỉnh táo
Sau khi các dự thảo đề án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ lần lượt được công bố, không ít thí sinh và phụ huynh đã tỏ ra hoang mang, bối rối.
Em Nguyễn Ngọc Minh, học sinh Trường THPT Phù Cừ (Phù Cừ, Hưng Yên) cho biết: “Mỗi trường thi theo một cách, mỗi trường yêu cầu một kiểu về hồ sơ, điểm tổng kết, điểm môn, sơ tuyển… làm em rất rối trí. Em chưa quyết định được là sẽ thi trường nào nên việc tìm hiểu về phương thức thi của các trường thực sự là… vất vả”.
Thầy Nguyễn Văn Cường – giáo viên một trường THPT tại TP. Hải Phòng thì lo ngại: “Rất nhiều trường năm nay sẽ thực hiện xét tuyển học bạ THPT, trong khi đó nhiều học sinh ngay từ lớp 10 đã ôn luyện theo khối, học lệch. Nhiều học sinh của tôi có điểm khối A rất cao nhưng tổng kết các môn sử, địa thì không vượt nổi 5 phẩy. Nếu quyết định xét tuyển vào các trường này thì sẽ rất thiệt thòi”.
Cô Nguyễn Thị Hương – giáo viên Trường THPT Bán công Tiền Hải (Thái Bình) thì cho rằng: “Việc nhiều trường thực hiện tuyển sinh riêng ngay trong năm 2014 đã khiến không ít học sinh lớp 12 bị “sốc”. Giáo viên cũng đã tư vấn cho các em và nhắc các em về việc thận trọng tìm hiểu các thông tin về phương án thi tuyển của các trường dự định thi”. Cũng theo cô Hương, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là nộp hồ sơ tuyển sinh, một số trường còn sơ tuyển trước nên học sinh phải cập nhật thông tin thường xuyên trên mạng, chuẩn bị các hồ sơ giấy tờ trước để tránh thiếu sót.
Đánh giá về các phương án tuyển sinh mới, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho rằng: “Đề án tuyển sinh của các trường rất phong phú. Điều này giúp cho thí sinh có thêm nhiều cơ hội. Ngoài ra, đề thi phong phú, không bỏ sót thí sinh có năng lực phù hợp. Các trường cũng đã xác định được “ngưỡng tối thiểu” về kiến thức đối với thí sinh, vì vậy thí sinh không nên quá hoang mang. Bộ đang trong quá trình tư vấn và hoàn thiện các đề án của các trường”.
Không nên giao cho các trường xét miễn thi tốt nghiệp Điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 là miễn thi tốt nghiệp 20% số học sinh. Thế nhưng, tại Hội nghị triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 do Bộ GDĐT tổ chức ngày 13.2, các sở GDĐT đều đề xuất không nên giao cho các trường THPT quyết định việc này vì sẽ không công bằng. Theo Thứ trưởng Bộ GDDT Nguyễn Vinh Hiển, chủ trương miễn thi cho 20% số học sinh giỏi gần như hầu hết ý kiến đã đồng tình. Tỷ lệ 20% sẽ được xem xét điều chỉnh trong những năm sau. Sở GDĐT có thể xác định tỉ lệ miễn thi riêng cho từng trường THPT dựa trên căn cứ về kết quả theo dõi, đánh giá các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học của nhà trường. Bộ cũng đang lắng nghe các ý kiến góp ý để sớm đưa ra quyết định.
Tùng Anh
|