Dân Việt

"12 năm học ròng rã đánh đổi bằng bài thi 3 tiếng"

Nguyễn Dũng 31/07/2013 19:42 GMT+7
“Không thể chấp nhận hiện tượng học suốt 12 năm trời ròng rã mà được đánh giá chỉ bằng một bài thi làm trong 3 tiếng đồng hồ!”, các chuyên gia giáo dục đúc kết.
Tại hội nghị “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức sáng 31.7, rất nhiều các đại biểu, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia trong ngành giáo dục cùng đề xuất ý kiến, thảo luận, trao đổi xung quanh chủ đề này.

Học phổ thông để làm gì?

Theo GS. Văn Như Cương, hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội): "Nhìn vào cấu trúc và chương trình của bậc học phổ thông hiện nay, chúng ta có thể đặt ra một vấn đề rằng học phổ thông xong sẽ làm gì, đa số câu trả lời nhận được đều là “học phổ thông để thi vào trường đại học nào đó”.

Nhiều chuyên gia đề xuất các ý kiến nâng cao chất lượng dạy và học trong bậc học phổ thông
Nhiều chuyên gia đề xuất các ý kiến nâng cao chất lượng dạy và học trong bậc học phổ thông

Đối với bậc THPT, chương trình phân ban của nền giáo dục đã thất bại. Chương trình được phân thành 3 ban với ban Khoa học tự nhiên, ban Khoa học xã hội và nhân văn và ban Cơ bản, nhưng việc phân ban đó không phải là phân ngành học, phân luồng công việc tương lai của học sinh… mà thực chất chỉ là để phục vụ cho việc thi Đại học các khối A, B, C, D,…"

Vì vậy hiện nay, sau bậc THPT ở nước ta hầu như chỉ có một con đường duy nhất cho học sinh, đó là học tiếp lên Đại học hoặc Cao đẳng. GS. Văn Như Cương cho rằng đây là cái lệch lạc lớn nhất của bậc học phổ thông. Mục tiêu như trên là hoàn toàn không phù hợp với tình hình kinh tế và xã hội đất nước ta.

Cũng theo GS. Cương, chương trình bậc phổ thông nhằm cung cấp những năng lực cho người học để sau khi học xong, học sinh có thể đi theo nhiều hướng khác nhau, tùy hoàn cảnh và năng lực của từng cá nhân, có thể là đi làm ngay hoặc đi làm sau một kỳ đào tạo ngắn hạn hay học tiếp một vài năm ở các trường trung cấp dạy nghề, cao đẳng nghề, sau đó có thể ra làm việc hoặc tiếp tục học để có tay nghề cao hơn, hoặc học sinh có thể học tiếp tục ở các trường đại học, cao đẳng như hiện tại.

Trong buổi thảo luận, nhiều chuyên gia cũng quan ngại về vấn đề thi cử trong các bậc học ở nước ta hiện nay. Do quá trọng bằng cấp nên thế hệ sau đang phải đối đầu với những cung cách thi cử căng thẳng và lạc hậu.

Phong cách học tập của các em học sinh cũng lạc hậu như học lệch, học "tủ", học "gạo", học thuộc lòng, học thêm… Hiện trạng này được các chuyên gia đúc kết lại một câu: “Không thể chấp nhận hiện tượng học suốt 12 năm trời ròng rã mà được đánh giá chỉ bằng một bài thi làm trong 3 tiếng đồng hồ!”.

Thờ ơ với các môn học “làm người”

Các môn học “làm người” hiện nay ở nước ta có dấu hiệu ngày càng bị lãng quên trên giảng đường từ bậc tiểu học cho đến bậc đại học. Những quy tắc đơn giản trong giao tiếp, ứng xử trong cộng đồng, thái độ đối với môi trường, thiên nhiên, những điều ác – điều thiện trong xã hội, những phẩm chất cần rèn luyện thời học sinh như tính trung thực, lòng vị tha, tôn trọng pháp luật… đều không được dạy dỗ một cách hệ thống và bài bản trong trường học hiện nay.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn”
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn”

Bà Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT trường Đại học Thăng Long (Hà Nội) bày tỏ: "Trong 12 năm từ tiểu học đến hết trung học phổ thông, giáo dục chỉ trang bị kiến thức cho học sinh, với nhiều kiến thức khi ra đời không dùng đến. Còn những đức tính con người thì chưa dạy được gì”. Cũng theo bà Sính, có hai đức tính cần thiết cho mỗi con người và cộng đồng, đó là chăm chỉ và tiết kiệm thì giáo dục chưa để lại dấu ấn nào.

Hậu quả của sự thiếu chăm chỉ và không tiết kiệm của học sinh được thể hiện rõ rệt trong môi trường đại học. Căn bệnh “làm hộ, nghĩ hộ” của sinh viên ngày càng phổ biến và trầm trọng. Tiền bạc đổi lấy việc được làm hộ, học hộ, trong khi đó, những lớp học thêm ngoài giờ miễn phí mà giáo viên tận tâm mở ra thì bị thờ ơ, ít học sinh quan tâm.

Cũng theo nhiều chuyên gia, vấn đề thi cử, kiểm định chất lượng cần phải được xây dựng lại theo từng phần, từng thời gian. Các kỳ thi tốt nghiệp nên tổ chức nhẹ nhàng và nên giao về các Sở, các kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ, đồng thời cũng nên để các trường ĐH, CĐ quyết định tùy theo nhu cầu mỗi trường như xét tuyển, thi tuyển hay thậm chí thi hoặc xét tuyển nhiều lần trong một năm.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chủ động nhấn mạnh vấn đề “dạy người và dạy chữ”. Phó Chủ tịch nước đề xuất khởi động lại khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn”, tập trung đào tạo nhân cách học sinh, sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường các bậc tiểu học, trung học.

Đồng thời giảm thiểu tình trạng độc thoại trong học đường, nâng cao trình độ người thầy, hạn chế tối đa tình trạng học chỉ để… đi thi. Qua đó, góp một phần quan trọng vào việc cải tạo, tái cơ cấu lại hệ thống giáo dục phổ thông đang còn nhiều rắc rối.