Bên cạnh bàn thờ, cuốc xẻng được rửa sạch sẽ, dựng ngay ngắn. Cán cuốc, cán xẻng được dán giấy lụa trắng cắt hoa như giấy dán ở bàn thờ tổ tiên. Hỏi mới biết đó là lời chúc mừng của gia chủ, là lời tri ân với các công cụ lao động. Sau khi làm lễ cúng ông bà tổ tiên và dụng cụ lao động, chủ nhà mở cửa ngách khấn gọi gia súc về chuồng để đón Tết.
Cụ già người Mông bảo, tất cả chỉ để làm cái lý thôi. Nhưng ngẫm lý đó rất có lý. Những gì đưa lại cho họ cuộc sống ấm no thì phải được tôn vinh.
Nước ta trước đây trên 90% là nông dân. Các đô thị chỉ như vài cái nốt ruồi. Thời mở cửa, mấy cái nốt ruồi đó to ra, nhưng thống kê thì vẫn trên dưới 70% dân số làm nông nghiệp. Nông nghiệp đã mấy lần cứu thua cho nền kinh tế khi gặp cơn suy thoái toàn cầu. Đóng góp to lớn ấy của nông dân xem ra bị coi chỉ như giá trị của người giúp việc, vì sự tôn vinh nông nghiệp chưa đúng mức, ruộng đất vẫn bị cắt xén cho các dự án mang tính đầu cơ. Đầu tư cho nông nghiệp còn quá ít. Hầu như tất cả vốn liếng rót vào công nghiệp để mong nó thành đầu tàu nhưng kết quả chưa như kỳ vọng.
Chúng ta đang không đúng trong “cư xử” với nông nghiệp. Cái nhìn tưởng có tầm chiến lược, ồn ào lao vào công nghiệp của nhiều người xem ra không bằng mấy già người Mông ở Tà Sùa. Mọi sự thi đua chỉ có kết quả khi có sự trọng thị, cần phải biết tôn vinh cây lúa, cái cuốc, cái cày vì chúng ta bây giờ vẫn là nước nông nghiệp là chủ đạo.
Đỗ Đức