"Thánh địa" Hang Dơi giờ đã "yên tiếng súng" nhưng thay vào đó, các "chảo lửa" gốc Nhãn, gốc Bưởi thôn Khưa Đa, đường mòn 386 thôn Cốc Nam (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng), đường mòn 05, 06 thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) lại đang căng thẳng đến nghẹt thở.
Tinh vi và liều lĩnh
Cán bộ Hải quan và biên phòng Cốc Nam truy bắt buôn lậu. |
Sau 2 ngày gia nhập vào một nhóm vượt biên trái phép sang Trung Quốc, PV NTNN đã tìm hiểu được rõ ràng các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu. Theo quan sát của chúng tôi, những khu vực được gọi là điểm nóng trên đều có địa hình tương đối thuận lợi cho dân buôn lậu vận chuyển hàng.
Giữa chợ Lũng Vài (Trung Quốc) và thôn Cốc Nam ngăn cách nhau bởi một ngọn núi với rất nhiều đường mòn xuyên qua. Các đối tượng buôn lậu thường không xuất hiện mà chỉ mua hàng qua trung gian, qua điện thoại hoặc thuê các đối tượng có nhân thân phức tạp như nghiện hút, cờ bạc… ở nhiều nơi khác đến cùng người địa phương làm cửu vạn và sang Trung Quốc mua hàng. Lợi dụng địa hình phức tạp, các đối tượng này thường chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển vào Việt Nam qua các đường mòn, lối tắt.
Các chủ hàng cũng dùng phương thức khoán gọn để gắn trách nhiệm của người vận chuyển với hàng lậu. Vì vậy, cửu vạn rất liều lĩnh, khi bị biên phòng và hải quan phát hiện, bao vây bắt giữ thì chúng chống trả rất quyết liệt. Sau khi hàng xuống núi trót lọt thì sẽ được đưa thẳng vào nhà dân ở dưới chân núi đóng thành gói lớn rồi dùng xe gắn máy, ô tô "cóc" chạy với tốc độ cao vào thị trấn Đồng Đăng và vào sâu trong nội địa.
Thời gian vận chuyển chủ yếu vào ban đêm và buổi trưa. Ngoài đội "chim lợn" dùng bộ đàm, điện thoại di động để theo dõi chặt chẽ hoạt động của lực lượng chức năng thì các đối tượng buôn lậu còn bố trí người bám theo hàng, nếu bị truy đuổi thường rất manh động, liều lĩnh cản đường bằng xe máy chạy đánh võng nên rất dễ gây tai nạn, kích động, tổ chức cướp lại hàng hóa khi bị bắt giữ.
Cuộc chiến giữa thời bình
Trước diễn biến phức tạp trên, Chi cục Hải quan Cốc Nam đã phải thành lập 2 lán chốt ở Thác Giữa và đường mòn 386 thôn Cốc Nam để ngăn chặn tối đa hoạt động buôn lậu trong dịp Tết Tân Mão này.
Lực lượng chính chống buôn lậu của Hải quan Cốc Nam chỉ có 16 người nên Cục đã phải điều động thêm 18 người từ các Chi cục Tân Thanh, Hữu Nghị và đội kiểm soát hải quan để hỗ trợ trực chiến.
Trong cái lạnh tím tái khoảng 10C lúc 0 giờ, phóng viên NTNN đã theo chân đội tuần tra vùng biên do ông Lương Văn Thơ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam - dẫn đầu men theo con đường mòn 386 để lên khu vực Thác Giữa. Anh Thơ cho biết, dù trời tối và địa hình núi rừng hiểm trở như vậy nhưng các đối tượng cửu vạn vẫn thồ vài chục cân hàng đi lại thoăn thoắt mà không cần đèn pin. Nhiều khi phát hiện đối tượng nhưng các anh em mới chưa quen địa hình cũng không thể bắt kịp.
Đang lầm lũi đi, chợt anh Thơ nằm thụp xuống. Tôi vô thức làm theo. Chợt nghe có giọng đàn ông phía trước hỏi: "Có chuyện gì thế? Hải quan à?". Anh Thơ trả lời: "Hải quan đây! Ngồi xuống đi!".
Lờ mờ trong bóng tối, tôi thấy mấy người lố nhố ngồi xuống theo một hàng dọc rồi im phăng phắc. Mấy phút sau, đội Cảnh sát Điều tra kinh tế và chức vụ Công an huyện Văn Lãng lên đến nơi liền phối hợp với các cán bộ Hải quan Cốc Nam bắt gọn nhóm đối tượng này. Kiểm tra tại chỗ thu giữ 60kg pháo nổ dạng dàn.
Tiếp tục dẫn chúng tôi lên điểm lán Thác Giữa, anh Thơ tâm sự: "Không phải lần nào bắt được đối tượng buôn lậu cũng dễ dàng như lần này đâu. Đây chủ yếu là người dân nghèo trong khu vực đi vận chuyển nên manh động chứ đối tượng khác sẵn sàng tấn công lực lượng chức năng để cướp lại hàng ngay.
Cách đây mấy năm, tại một chốt ở Cốc Nam đã có một cán bộ Hải quan Lạng Sơn hy sinh khi bị đối tượng chống trả bằng súng. Đầu năm 2010, cũng có một vụ các đối tượng buôn lậu đập xe ô tô, đập camera và đánh lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ hàng lậu. Đối tượng cầm đầu trong vụ việc đó vừa bị đưa ra xét xử và đã phải nhận 24 tháng tù giam".
Càng lên cao, những cơn gió lạnh như hàng ngàn mũi kim đâm vào da thịt chúng tôi nhoi nhói. Trong chiếc lán tuềnh toàng dựng tạm tại điểm Thác Giữa, cách cột mốc biên giới Việt - Trung 30m, chỉ có một chiếc giường đơn sơ với mấy chiếc chăn bông để những người trực chiến thay nhau ngả lưng khi quá mệt. Để có thể đóng trụ hàng đêm trong thời tiết khắc nghiệt như thế này, ngoài tinh thần trách nhiệm cao với công việc, các cán bộ, chiến sĩ chỉ có than hoa, mì tôm và nước lạnh.
------------
Còn nữa
Nhóm PV