Dân Việt

5 bị can vụ “cưỡng chế dồn điền đổi thửa” ở Hà Nội: Do bức xúc với cách làm của chính quyền?

Đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc khởi tố 5 bị can trong vụ cưỡng chế dồn điền đổi thửa ở xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Bị khởi tố vì “giữ tay công an viên”

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Thanh Oai, Hà Nội: Ngày 11.3, hai công an viên xã Xuân Dương, Thanh Oai là Trần Đức Hiếu và Phùng Xuân Hậu xuống thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh dồn điền đổi thửa tại khu đất của bà Lê Thị Thoa (ở thôn Trường Xuân, xã Xuân Dương).

Sau đó, giữa bà Lê Thị Thoa với 2 công an viên này có xảy ra xô xát. Được tin về vụ việc, hai con gái của bà Thoa là Nguyễn Thị Lan (SN 1989) và Nguyễn Thu Hà (SN 1987) được sự hỗ trợ của một số người dân đến giúp mẹ giữ tay công an viên Trần Đức Hiếu trong khoảng 2 giờ đồng hồ, không cho anh Hiếu đi về. Đến khi lực lượng công an xã có mặt tại hiện trường để giải quyết vụ việc, anh Hiếu vẫn bị Nguyễn Thị Lan tóm giữ tay anh Hiếu không cho đi.

 Người dân Xuân Dương tụ tập phản ứng việc bắt anh Vũ Văn Huề ngày 11.3.
Người dân Xuân Dương tụ tập phản ứng việc bắt anh Vũ Văn Huề ngày 11.3.

Cũng liên quan đến vụ án này, cùng ngày 11.3, cơ quan công an đã tạm giữ Vũ Văn Huề (SN 1992, ở cùng thôn) về hành vi giữ người trái pháp luật. Theo cơ quan công an, Huề đã giúp sức cho Lan, Hà giữ anh Hiếu trong hơn 2 tiếng đồng hồ. Tiếp đó, ngày 13.3, Công an huyện Thanh Oai đã quyết định khởi tố vụ án “giữ người trái pháp luật” để điều tra làm rõ.

Đến ngày 19.3, cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Oai đã ra quyết định khởi tố bị can đối với bà Thoa, Hà, Lan (3 bị can được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú) và Huề cùng về hành vi “giữ người trái pháp luật” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự (riêng Vũ Văn Huề bị tạm giữ). Mở rộng điều tra vụ án, ngày 25.3, cơ quan CSĐT khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Văn Vượng (em trai bà Thoa) cũng về hành vi trên.

Ngày 2.4, liên lạc qua điện thoại với trung tá Đoàn Khánh Tùng – Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Oai, ông Tùng từ chối làm việc, từ chối cung cấp thông tin cho PV với lý do “vụ án đang trong quá trình điều tra”. Song ông Tùng vẫn nhấn mạnh rằng, vụ việc đã được các điều tra viên điều tra kỹ lưỡng.

Có thể do dân quá bức xúc

“Tôi không hiểu công an huyện điều tra thế nào mà người nhà tôi từ bị hại bỗng trở thành bị can. Vụ việc xảy ra có hàng trăm người làm chứng, nhưng công an khi điều tra không lấy lời khai, tham khảo ý kiến của người dân mà chỉ dựa vào lời khai từ phía công an xã” - anh Lê Chí Cường, chồng chị Nguyễn Thị Lan.

Về vụ việc này, luật sư - tiến sĩ Ngô Ngọc Thủy (nguyên Trưởng khoa Luật Hình sự - Trường ĐH Luật Hà Nội) phân tích: Việc một số người dân bị khởi tố về tội bắt, giữ, hoặc giam người trái pháp luật, khi cơ quan điều tra tiến hành khởi tố bị can, chắc hẳn họ đã có đủ cơ sở để khẳng định về vấn đề này.

Hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự. Việc giữ người có 2 trường hợp, thứ nhất là tạm giữ hành chính, thứ hai là tạm giữ hình sự. Tạm giữ hành chính là khi thấy người đó có vi phạm về trật tự hành chính, ví dụ như đi ban đêm không có giấy tờ tùy thân, có biểu hiện nghi vấn, người điều khiển phương tiện tham gia thông vi phạm nhưng khi bị kiểm tra không có giấy tờ để chứng minh về phương tiện…

Còn tạm giữ hình sự với người phạm tội mà có chứng cứ đầy đủ. Hai trường hợp này chỉ áp dụng cho cơ quan chức năng và người của cơ quan đó khi thực thi công vụ. Còn đối với tất cả các công dân muốn bắt hay giữ người thì phải bắt quả tang người đó phạm tội.

“Trong vụ dồn điền đổi thửa dẫn đến hành vi tạm giữ người trái pháp luật, nếu thấy người thi hành công vụ của cơ quan nhà nước thực hiện chưa đúng chức năng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì người dân có thể tố cáo hành vi của họ. Trong trường hợp này, theo tôi có thể do người dân quá bức xúc về việc làm của chính quyền, của người thi hành công vụ nên đã làm quá như vậy.

Tuy nhiên, mặt khác, không thể vì pháp nhân hành động sai mà người dân lại thực hiện những hành vi trái với quy định của pháp luật. Pháp luật hình sự luôn tách bạch rõ ràng, tội nào đi tội đó, ai vi phạm, hành vi vi phạm đến đâu đều sẽ được xem xét xử lý đến đó” - luật sư Thủy khẳng định.