10 nạn nhân vụ nổ tại nhà máy thép Pomina tối 11.4 đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM
Sự cố nổ ở Nhà máy thép Pomina 3 (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tối 11.4 khiến 10 công nhân bị phỏng từ 10% đến 85% diện tích cơ thể.
Sáng 12.4, Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM cho biết Khoa Cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận 10 nạn nhân trong vụ nổ ở Nhà máy thép Pomina 3 vào khuya 11.4.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Ngô Đức Hiệp - Khoa Phỏng, Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM - cho biết: “Hiện tại, 3 nạn nhân bị phỏng nặng từ 61% - 85% diện tích cơ thể đang được theo dõi tại phòng săn sóc đặc biệt, trong đó một nạn nhân được đặt nội khí quản vì bị phỏng hô hấp. Ngoài ra, 7 người khác bị phỏng từ mức độ nhẹ đến trung bình, chủ yếu ở đầu mặt và tứ chi cũng đang được theo dõi. Các nạn nhân này có khả năng phục hồi tốt”.
Theo bác sĩ Hiệp, sau khi nhận được tin báo từ bệnh viện tuyến dưới, Bệnh viện Chợ Rẫy đã huy động đội ngũ các bác sĩ, điều dưỡng sẵn sàng đón nhận các bệnh nhân. Từ khuya 11.4 đến sáng 12.4, bác sĩ các khoa cấp cứu và phỏng đã làm việc cật lực để các bệnh nhân được điều trị một cách nhanh chóng.
Theo các bác sĩ, phỏng nước thép ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hơn so với phỏng nước sôi vì nước thép được nung ở nhiệt độ khá cao.
Lãnh đạo công ty Pomina thăm hỏi nạn nhân.
Có mặt tại bệnh viện, ông Đỗ Xuân Chiểu, Chủ tịch HĐQT Công ty thép Pomina, cho biết: “Hiện giờ chúng tôi chỉ mong sao các công nhân nhanh chóng bình phục, công ty sẽ hỗ trợ toàn bộ thuốc men và các chi phí khác. Còn cơ quan chức năng đang có mặt tại hiện trường nhà máy Pomina 3 để làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc này”.
Nằm trên giường bệnh, với vẻ tỉnh táo hơn những công nhân khác, anh Nguyễn Văn Đoàn (SN 1994, ngụ Tân Phước, Tân Thành - Bà Rịa Vũng Tàu) thều thào: “Khoảng 19 giờ ngày 11.4, nhóm công nhân chúng tôi đang làm việc dưới xưởng thì bất ngờ nghe một tiếng nổ kinh hoàng. Nước từ lò thép ở độ cao 5m văng tứ phía khiến nhiều người không kịp chạy đã bị phỏng. Một số công nhân làm việc gần lò bị nước thép xối từ trên đầu. Không biết giờ họ ra sao nữa…”
Danh sách các công nhân bị phỏng:
Ba công nhân đang được chăm sóc đặc biệt:
- Hoàng Thanh Thịnh (SN 1965, quê Hà Tỉnh) phỏng độ 2, độ 3 diện tích 85% cơ thể.
- Nguyễn Văn Thái (SN 1991, Phú Mỹ, Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu) phỏng độ 2 diện tích 76% cơ thể
- Đoàn Lê Phương (SN 1991, Tân Phước, Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu) phỏng độ 1, độ 2 diện tích 61% cơ thể
Bảy công nhân đang bị phỏng nhẹ và trung bình:
- Nguyễn Trọng Viễn (SN 1979, Mỹ Xuân, Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu) phỏng độ 2, diện tích 52% cơ thể - Đoàn Văn Quý (SN 1994, Tân Phước, Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu) phỏng độ 1, độ 2 diện tích 46% cơ thể - Hồ Thế Chinh (SN 1989, Mỹ Xuân, Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu) phỏng độ 1, độ 2, diện tích 34% cơ thể. - Nguyễn Thành Long (SN 1986, Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu) phỏng độ 2 diện tích 15% cơ thể - Trương Ngọc Đức Tài (SN 1990, Phú Mỹ, Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu) phỏng độ 2 diện tích 10% cơ thể - Đào Văn Dũng (SN 1989, Châu Pha, Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu) phỏng độ 1, độ 2 diện tích 15% cơ thể - Nguyễn Văn Đoàn (SN 1994, ngụ Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu) phỏng độ 2 diện tích 16% cơ thể
|